Ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn và bức xúc của nhiều hộ dân sinh sống ở nội và ngoại thành Hải Phòng. Những bức xúc này còn chưa được giải quyết thì các cơ quan chức năng dự báo, mức độ ô nhiễm tại các khu dân cư và khu vực sản xuất vẫn tiếp tục gia tăng, khiến nhiều người không khỏi lo ngại.
Báo động về môi trường
Một trong những lo ngại nhất, đó là nguồn nước mặt ở Hải Phòng đang bị ô nhiễm trầm trọng. Bằng chứng là thành phố có 3 dòng sông cung cấp nguồn nước cho các nhà máy sản xuất nước sạch, gồm sông Đa Độ, sông Rế và sông Giá với tổng trữ lượng ước khoảng 40 triệu m3. Tuy nhiên, cả 3 dòng sông này đều đang bị ô nhiễm nặng. Chẳng hạn như tại sông Đa Độ, kết quả quan trắc mới đây cho thấy: Trong tổng số 30 mẫu, có đến 53% số mẫu không đạt chỉ tiêu cấp nước, trong đó 10% mẫu bị ô nhiễm nặng. Sông Rế và sông Giá cũng vậy.
Các dòng sông còn phải oằn mình “cõng” thêm một lượng nước thải khổng lồ từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt thải ra. Như sông Đa Độ phải tiếp nhận nguồn thải của 120 cơ sở sản xuất công nghiệp, 50 làng nghề, 11 bệnh viện lớn nhỏ, gần 60 trạm y tế xã… và hàng loạt khu dân cư ven sông, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đều đổ trực tiếp ra sông.
Không chỉ nguồn nước ô nhiễm, sự tồn ứ lâu ngày của các chất thải rắn, khói, bụi, tiếng ồn… của hơn một vạn cơ sở sản xuất công nghiệp lớn nhỏ đang nằm xen kẽ trong các khu dân cư, hoạt động càng khiến ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực gia tăng nhanh.
Các cấp hội vào cuộc
Ý thức trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường, các cấp Hội ND thành phố có nhiều hoạt động thiết thực góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Đi đầu là Hội ND huyện Kiến Thuỵ phối hợp doanh nghiệp (DN) Linh Nam triển khai mô hình dùng chế phẩm vi sinh AT-YTB (do DN này sản xuất) để xử lý chất thải chăn nuôi, trồng trọt. Dù mô hình mới được triển khai thí điểm từ năm 2013 nhưng kết quả mang lại rất khả quan. Tại xã Minh Tân, địa phương triển khai mô hình, rơm rạ dư thừa ngoài đồng, chất thải chăn nuôi đều được xử lý bằng phương pháp dùng chế phẩm vi sinh AT-YTB để ủ. Chỉ sau 1 tháng, toàn bộ lượng rơm rạ, phân tro được trộn ủ đó đã thành phân vi sinh bón ruộng. Ngoài giảm thiểu ô nhiễm, việc dùng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải nông nghiệp còn giảm tình trạng lạm dụng phân bón hoá học, tiết giảm chi phí trong sản xuất.
Ở quận Kiến An, Hội xây dựng mô hình “tự quản bảo vệ môi trường ở cộng đồng”. Phường Lãm Hà là đơn vị được chọn làm điểm. Các hộ đều cam kết tự quản bảo vệ môi trường. Thay vì xả rác bừa bãi, gia đình nào cũng có dụng cụ chứa rác (đã được phân loại). Tổ dân phố số 20 còn góp tiền đóng 35 thùng rác đặt ở nơi công cộng… Sau 5 năm thực hiện, giờ đây người dân Lãm Hà không còn phải chịu cảnh sống chung cùng rác như trước đó nữa. Huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng… Hội tổ chức “ngày thứ Bảy xanh”. ND trồng cây, quét dọn đường làng, ngõ xóm theo phương châm “đẹp từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ ra đồng”…
Tuy nhiên, những mô hình này chưa được nhân rộng. Thậm chí, có mô hình đã chết yểu do thiếu sự vào cuộc đồng bộ, hỗ trợ đắc lực từ phía chính quyền, ban, ngành ở cơ sở, nhất là các DN đóng trên địa bàn. Vì thế, ô nhiễm môi trường ở Hải Phòng vẫn còn là bài toán nan giải, thách thức không nhỏ để Hải Phòng trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh và an toàn.
Theo Dân Việt
Comments[ 0 ]
Post a Comment