Giật mình
Ông Nguyễn Công Thái, Phó ban quản lý (BQL) vịnh Hạ Long kể, qua thông tin trên báo Tiền Phong, ông mới biết di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đang đứng trước hiểm họa của loại hóa chất hết sức nguy hiểm.
“Một người bạn bảo tôi đọc ngay báo Tiền Phong đi. Đọc xong tôi giật mình. Theo thông tin từ báo thì ở Bỉ rò rỉ 25 lít đã mất cả tỉ USD để khắc phục. Hàng nghìn lít bao lâu nay chứa ở ngay cảng Cái Lân nó mà tràn xuống cảng thì vịnh Hạ Long chết mất. Chúng tôi hết sức lo ngại” - ông Thái nói.
Theo ông Thái, tỉnh đã rất quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết vấn đề này. Cần làm rõ vì sao suốt bao năm nay mà số lượng hóa chất độc hại lớn này vẫn nằm ngay sát vịnh Hạ Long. Tại sao không được di dời đi xa, ách tắc ở khâu nào? Ông Thái cho biết thêm, BQL vịnh mong muốn tỉnh và các cơ quan chức năng mau chóng giải quyết được mối nguy lơ lửng này cho di sản thế giới.
Hiện BQL đã gửi báo cáo về sự hiện diện của lô hàng máy biến thế cũ có chứa dầu nhiễm PCB tại khu cảng Cái Lân lên Cục Di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bà Phạm Thùy Dương, Trưởng BQL vịnh Hạ Long nêu quan điểm: “BQL vịnh Hạ Long cũng đề nghị Cục Di sản có ý kiến đến các cấp, cơ quan có liên quan có phương án xử lý dứt điểm vấn đề này”.
Quyết liệt bảo vệ di sản
Trước nguy cơ đối với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTT&DL nói: “Vịnh Hạ Long vừa là biểu tượng Việt Nam, vừa là biểu tượng của du lịch, cần thái độ ứng xử bài bản. Trách nhiệm trước hết là BQL vịnh Hạ Long, sau đó đến UBND tỉnh Quảng Ninh phải chỉ đạo phối hợp giải quyết vấn đề này. Tôi cho rằng phải tăng cường trách nhiệm từng cá nhân. Tại sao để từ năm 2007 đến giờ mới phát hiện. Có phải BQL, UBND tỉnh phát hiện ra không hay phải chờ đến báo chí”.
Ông Tân nói thêm “Mặc dù BQL vịnh Hạ Long đã báo cáo lên, nói rằng có phương án bảo quản an toàn, nhưng về lâu dài phải tính toán. An toàn đó như thế nào cũng cần làm rõ để cho độc giả, những người quan tâm đến vịnh yên tâm. Chúng ta phải làm đến nơi đến chốn”, ông Tân nhấn mạnh.
Người phát ngôn Bộ VHTT&DL nói thêm: “Địa phương phải rút kinh nghiệm, sau này không để những chuyện như thế tái diễn. Nếu không, nguy cơ rút vịnh Hạ Long khỏi danh mục Di sản thế giới là rất cao”.
Được biết, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cũng chỉ đạo Cục Di sản, Tổng cục Du lịch vào cuộc, kiểm tra, giám sát và nhắc nhở.
Bộ chờ doanh nghiệp
Trong khi 7.000 lít dầu chứa hóa chất siêu độc đang đe dọa vịnh Hạ Long, Bộ TN&MT cho biết, phải chờ phương án vận chuyển và xử lý của doanh nghiệp gửi lên để giải quyết.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nói, đã nhận được văn bản kiến nghị của Sở TN&MT Quảng Ninh về việc xem xét, ra văn bản hướng dẫn Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long vận chuyển hai container chứa thân máy biến thế, hơn 7.000 lít dầu nhiễm PCB cùng gạch và mùn cưa nhiễm PCB từ cảng Cái Lân về kho lưu giữ của Công ty tại thành phố Hải Phòng.
Tuy nhiên, Bộ chưa phúc đáp kiến nghị của Sở TN&MT Quảng Ninh vì đang chờ phương án xử lý của Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long, và khi có, Bộ sẽ cùng các chuyên gia trong lĩnh vực này xem xét đề xuất hướng giải quyết. Về việc ban hành hướng dẫn kỹ thuật bao gói, lưu trữ, vận chuyển, tiêu hủy PCB, ông Tùng cho hay, có thể sẽ được Bộ TN&MT ban hành vào cuối năm nay.
Liên quan đến việc vận chuyển khối lượng hóa chất độc hại khổng lồ về Hải Phòng, theo ông Tùng, nhất định phải có sự đồng ý của Sở TN&MT Hải Phòng. Thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với Sở TN&MT Hải Phòng về nội dung này.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở TN&MT Hải Phòng, đơn vị này chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào từ Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long, Sở TN&MT Quảng Ninh hay Bộ TN&MT về nội dung này. Sở TN&MT Hải Phòng cũng không muốn cho phép đưa lô hàng độc hại nói trên về địa bàn thành phố.
Comments[ 0 ]
Post a Comment