PV Tiền Phong đến xã Ba Trại (huyện Ba Vì), địa phương được phản ánh để xảy ra tình trạng đổ đất lấn chiếm nghiêm trọng nhất. Một người dân có trang trại trồng chè gần nơi xảy ra vi phạm cho biết, thời gian gần đây ông thấy có một số xe chở vật liệu, đất đá đổ xuống lòng hồ Suối Hai.
Tiếp đó, máy xúc, máy ủi cũng được đưa đến san phẳng thành một khoảng đất rộng, nhô cao hơn 2 mét so với mực nước hiện tại của lòng hồ. Rồi người đàn ông này đưa chúng tôi ra sát mép hồ, ở đó có thể quan sát thấy có chỗ của hồ Suối Hai chỉ còn lại như một dòng sông nhỏ.
“Đây thuộc xóm 6, còn nơi vi phạm thuộc xóm 7 xã Ba Trại. Từng nhiều năm trồng chè tại đây, tôi chưa bao giờ thấy tình trạng đổ đất xuống lòng hồ quy mô như vậy”- Người đàn ông địa phương nói trên cho biết.
Ngoài xã Ba Trại, hồ Suối Hai còn tiếp giáp với địa bàn các xã Cẩm Lĩnh, Tản Lĩnh, Thụy An của huyện Ba Vì. Qua tìm hiểu được biết, tại các xã trên cũng xảy ra hiện tượng đổ đất, san nền, trồng cây trong khu vực lòng hồ Suối Hai. Vi phạm nhiều nhất thuộc địa bàn xã Tản Lĩnh với các biểu hiện như đào ao thả cá, trồng trọt... lấn chiếm mặt bằng lòng hồ.
Từ đầu năm 2014 đến nay, Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì (thuộc Cty TNHH Một thành viên Thủy lợi Sông Tích), đơn vị được giao quản lý mặt nước hồ Suối Hai đã phối hợp cùng UBND các xã Ba Trại, Tản Lĩnh, Cẩm Lĩnh, Thụy An lập biên bản nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý sau đó lại chưa mạnh tay khiến sự việc không được giải quyết dứt điểm, dẫn đến tái phạm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Dương, Trạm trưởng Trạm quản lý đầu mối hồ Suối Hai (thuộc Xí nghiệp quản lý Thủy lợi Ba Vì) xác nhận việc người dân hiện đổ đất, trồng cây... để lấn chiếm lòng hồ Suối Hai. Điển hình của việc đổ đất lấn chiếm lòng hồ thuộc về gia đình ông Trần Nam Thắng, diễn ra ở địa bàn xã Ba Trại, hiện đã bị Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì và UBND xã Ba Trại lập biên bản, do vi phạm Pháp lệnh về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Theo ông Dương, có một dạng vi phạm phổ biến hơn cả nhưng rất khó xử lý là việc người dân lấn trồng cây vào diện tích lòng hồ. Khi bị lập biên bản, không ít người dân cho rằng, mực nước rút thì họ trồng cây, nếu nước dâng trôi hết hoa màu thì tự họ chịu chứ đâu có ảnh hưởng gì đến lòng hồ Suối Hai.
“Mặc dù trực tiếp quản lý lòng hồ, nhưng Trạm quản lý đầu mối hồ Suối Hai lại không được lập biên bản vi phạm mà phải báo để chính quyền địa phương làm việc đó”- ông Dương cho biết.
Còn ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Trạm trưởng Trạm quản lý đầu mối hồ Suối Hai cho rằng, để tránh việc hồ bị lấn chiếm như hiện nay, cần phải phân định rõ mốc giới giữa đất lòng hồ và đất của người dân. Đây là việc làm khó khăn, nhưng nếu không làm nhanh để người dân lấn chiếm như hiện nay thì rất khó xử lý.
Trước thực trạng trên, một số lãnh đạo địa phương có địa bàn giáp với hồ Suối Hai mà chúng tôi có dịp trao đổi cũng cho rằng, tình trạng lấn chiếm lòng hồ đang là điều cần quan tâm giải quyết hiện nay.
Ông Bùi Quốc Minh, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cho biết, do đặc thù địa hình nên khi nước hồ Suối Hai cạn, một số người dân đã tranh thủ trồng cây ngắn ngày hoặc đào ao thả cá nên phải thường xuyên kiểm tra mới hạn chế được vi phạm.
Còn ông Đinh Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Ba Trại cho biết: Việc gia đình ông Trần Nam Thắng đổ đất lấn chiếm hồ Suối Hai hơn 1.000 m2 là trường hợp rất nghiêm trọng, nên địa phương đã phối hợp với Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì đang tiến hành xử lý, buộc đối tượng phải chuyển khối lượng đất đổ lấn chiếm, trả lại nguyên dạng cho lòng hồ.
Comments[ 0 ]
Post a Comment