Bà Ngô Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc Qũy Bảo vệ môi trường TP.HCM cho biết, theo Luật thuế Bảo vệ môi trường, mỗi kg túi ni lông khó phân hủy sẽ chịu 40.000 đồng tiền thuế. Thông thường, loại túi ni lông khó phân hủy được bán với giá 30.000 đồng/kg, nếu tính cả tiền thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng thì giá túi ni lông hiện nay phải trên 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá túi ni lông này được bán ở các chợ vẫn phổ biến trên dưới 30.000 đồng/kg vì nhiều DN sản xuất loại hàng này không đóng thuế bảo vệ môi trường.
Theo ý kiến của các DN, chủ trương của Nhà nước khuyến khích chuyển đổi sử dụng túi thân thiện với môi trường thông qua việc đánh thuế 44.000đồng/kg (đã bao gồm VAT) đối với các sản phẩm sản phẩm túi ni lông không có khả năng tự phân hủy từ ngày 1-1-2012, được xem là một động thái tích cực khuyến khích DN tham gia vào lĩnh vực này.
Mặc dù vậy, cho đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều DN tham gia sản xuất túi thân thiện với môi trường vì các DN cho rằng, luật có chế tài không mạnh, không đủ tạo động lực cho các DN chân chính. Hiện nay, trong cả nước mới chỉ 17 đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận giấy sản phẩm thân thiện với môi trường (có khả năng phân hủy sinh học, đảm bảo tối đa hàm lượng kim loại không vượt quá mức quy định), trong đó có 11 DN đóng trên địa bàn TP.HCM.
Cụ thể, ông Lê Sanh Mỹ, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổ chức, Công ty CP bao bì Vafaco, đơn vị đầu tiên được chứng nhận về sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường, cho biết, hiện nay, DN mới chỉ cung cấp túi cho các hệ thống siêu thị lớn như Co.op mart, Focosa, còn ở phân khúc chợ truyền thống thì vẫn chưa vào được vì không thể cạnh tranh về giá với các DN sản xuất túi ni lông khó phân hủy. Tại các chợ, các cơ sở sản xuất túi vẫn bán cho các tiểu thương với giá trên 30.000đồng/kg hoặc thấp hơn mà không bị đánh thuế.
Cùng chung quan điểm như trên, ông Chế Văn Khánh, Phó trưởng Phòng Hành chính nhân sự, Công ty Nam Thái Sơn cho biết, để được cấp giấy chứng nhận túi thân thiện với môi trường, DN phải gửi mẫu qua Indonesia để kiểm tra với chi phí hơn 2.000USD/mẫu do vậy không thể giảm giá. Hiện nay, các đơn vị có giấy chứng nhận túi thân thiện với môi trường chỉ bán được vào hệ thống siêu thị còn tại các chợ không thể cạnh tranh tranh được.
Theo bà Phạm Hoàng Thụy Nguyên, Phòng Tài nguyên môi trường quận Bình Thạnh, chợ Bà Chiểu là đơn vị thí điểm về việc sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, so với túi khó phân hủy, túi thân thiện với môi trường còn hạn chế về chủng loại, kích thước, mẫu mã chưa đáp ứng đối với nhu cầu của các tiểu thương bán lẻ.
Bên cạnh đó thông tin tuyên truyền về túi ni lông thân thiện với môi trường chưa được phổ biến rộng rãi ở nhiều khu vực dân cư, đặc biệt là cách phân biệt thế nào là túi ni lông thân thiện và không thân thiện với môi trường. Ngoài ra, đến nay các tiểu thương cũng chưa tham gia sử dụng túi thân thiện đại trà dù ban quản lý chợ đã rất tích cực trong việc kết nối tiểu thương với DN. Ngay cả khi ban quản lí chợ tạo điều kiện cho DN đặt gian hàng túi thân thiện ở chợ để vừa tiện cho người mua lẫn người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào tham gia.
Lý giải nguyên nhân của vấn đề này bà Nguyên cho rằng, sở dĩ DN chưa tham gia chương trình là do chi phí, DN và tiểu thương chưa gặp nhau đơn giản cũng vì sự chênh lệch giá giữa túi thân thiện với môi trường và túi ni lông khó phân hủy. Tính về lợi nhuận kinh doanh, tiểu thương chấp nhận mức giá rẻ là điều dễ hiểu, dù đôi khi sản phẩm đó có mùi hôi, không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn dùng vì cũng không thấy bị đánh thuế bảo vệ môi trường. Do vậy, Nhà nước cần có chế tài chặt chẽ hơn đối với các DN sản xuất túi ni lông khó phân hủy để mang lại sự công bằng hơn cho các DN làm ăn chân chính .
Comments[ 0 ]
Post a Comment