Đại diện Bộ Y tế, TS Lương Mai Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - cho biết, các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, 80% các trường hợp bệnh ung thư trung biểu mô có liên quan tới amiăng.
Đại diện Bộ Y tế nêu rõ, các quy định của quốc tế khá rõ ràng, WHO và ILO đều kêu gọi các quốc gia thành viên cấm sử dụng amiăng trắng (chất cấu tạo nên tấm lợp fibro ximăng). Theo Bộ Y tế thì không nên kéo dài thời gian sử dụng ở Việt Nam.

Tranh cãi gay gắt

Trái với quan điểm trên, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng ( Bộ Xây dựng) - cho rằng “hiện có hai quan điểm về sử dụng amiăng, thứ nhất là amiăng gây hại sức khỏe và cấm sử dụng. Thứ hai là nếu được sử dụng có kiểm soát thì amiăng không gây hại sức khỏe.
Bộ Y tế nghe theo khuyến cáo của WHO (Tổ chức Y tế thế giới) là đại diện cho quan điểm chống sử dụng amiăng. Để củng cố thêm quan điểm sử dụng amiăng, ông Tới cho rằng: “Ngay cả các nước tiên tiến như Nga, Mỹ, Canada họ vẫn dùng amiăng trắng thì lý do gì Việt Nam không dùng”.
Khi được hỏi ý kiến về những nhận xét của Bộ Xây dựng, TS Lương Mai Anh nói rằng: “Bộ Xây dựng có quan điểm của Bộ Xây dựng, Bộ Y tế không thể nói thay được. Việt Nam là thành viên của WHO thì những khuyến cáo của WHO Việt Nam nên làm theo”, bà Anh nói.

Công nhân bị… nhiễm độc hằng ngày

Theo nghiên cứu dẫn ra từ Bộ Y tế, thời gian ủ bệnh của các căn bệnh do amiăng gây ra thường từ 15 - 20 năm nên người tiếp xúc với bụi amiăng có thể vài chục năm mới phát bệnh. Bộ Y tế tỏ rõ quan điểm cấm sản xuất, sử dụng amiăng càng sớm càng tốt.


Công nhân sản xuất tấm lợp có chứa chất amiăng vẫn hằng ngày đối mặt với nguy cơ mắc bệnh bụi phổi và ung thư.

Thừa nhận amiăng là độc hại, tuy nhiên Vụ Vật liệu xây dựng cho rằng, có thể kiểm soát tác nhân độc hại của amiăng. Theo ông Tới, bụi amiăng phát tán gây hại nhiều nhất là lúc trộn vật liệu khi amiăng chưa liên kết. “Tại các cơ sở sản xuất tấm lợp fibro ximăng, công nhân được bảo đảm khẩu trang đầy đủ để hạn chế thấp nhất tác hại của amiăng. Ngoài ra nước dùng sản xuất tấm lợp fibro ximăng là nước tuần hoàn khép kín không thải ra môi trường”.
Tuy nhiên, nhận định trên bị các chuyên gia về bảo hộ lao động phản bác. Theo ông Võ Quang Đức - Phó phòng Vệ sinh lao động kiểm soát môi trường (Phân viện Bảo hộ Lao động và Bảo vệ môi trường miền Nam) - thì nhận định có thể kiểm soát độc hại amiăng của Bộ Xây dựng là “chủ quan”.

Ông Đức nói rằng, hầu hết công nhân trong các cơ sở sản xuất tấm lợp fibro ximăng chỉ được trang bị khẩu trang thông thường chứ ít được trang bị mặt nạ phòng độc. “Kể cả nếu có dùng mặt nạ phòng độc thì tôi thấy họ trang bị cũng không đúng tiêu chuẩn mà chỉ mang tính đối phó”.

“Người dân hứng nước mưa từ tấm lợp fibro ximăng thì nước mưa cũng có thể bị nhiễm độc. Ngoài ra, khi phá dỡ công trình nhà dân lợp fibro ximăng thì bụi amiăng cũng xâm nhập vào phổi dẫn đến ung thư. Nói kiểm soát được tác hại của amiăng là chủ quan, Hằng ngày hằng giờ kể cả công nhân sản xuất và người dân sử dụng tấm lợp fibro ximăng vẫn đang bị nhiễm độc.

WHO gửi thư cho Thủ tướng kiến nghị cấm amiăng

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương và Đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ngày 5.8 đã viết thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiến nghị cấm sử dụng amiăng trắng trong vật liệu xây dựng tại VN.

Theo WHO và ILO, mỗi năm có 107.000 người chết do các bệnh liên quan tới amiăng và 1,5 triệu người khác phải sống chung với khuyết tật do các bệnh liên quan tới amiăng. Amiăng được coi là chất gây ung thư nghề nghiệp độc hại nhất với hơn một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp.

VN là nước tiêu thụ amiăng lớn thứ 10 thế giới về số lượng và đứng thứ 7 về bình quân lượng amiăng tiêu thụ trên đầu người. Tại VN, amiăng được sử dụng trong việc sản xuất tấm lợp amiăng xi măng (tấm lợp fibro ximăng), phanh ôtô, xe máy, vật liệu cách nhiệt trên tàu, các lò hơi và các ứng dụng khác. WHO và ILO khuyến cáo và đề nghị VN cấm toàn bộ các loại amiăng như là biện pháp hiệu quả nhất nhằm loại trừ bệnh tật liên quan tới amiăng. 

Theo TS Đặng Văn Hải- nguyên GĐ Trung tâm Khoa học môi trường và Phát triển bền vững (thuộc Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ Lao động - Tổng LĐLĐVN)

Khảo sát tại 36 nhà máy sản xuất tấm lợp thì chỉ có 5 nhà máy được trang bị đầy đủ vật dụng bảo hộ lao động, khi đó công nhân ít có nguy cơ nhiễm độc từ amiăng. Có tới 14 nhà máy ở mức độ trung bình. Còn lại là hời hợt, nghĩa là nguy cơ nhiễm độc amiăng của công nhân rất cao. WHO và ILO đều kêu gọi các quốc gia thành viên cấm sử dụng amiăng trắng (chất cấu tạo nên tấm lợp fibro ximăng).