Ông Trương Minh Hải cho biết: “Khi hạn kéo dài rồi mưa thì nhiều cây phi lao xuất hiện dấu hiệu vàng đầu từ trên xuống và chết. Năm nay, số cây phi lao chết nhiều hơn năm 2012. Ở khu tôi quản lý cây chết hàng trăm héc ta, cả hơn chục hộ. Cây lớn nhỏ gì cũng chết”.
Không riêng khu vực rừng của ông Hải quản lý mà khắp rừng phòng hộ ven biển Trà Vinh nơi nào cũng xuất hiện cây chết khô bất thường. Cây chết từ trên ngọn xuống, trong khi phần thân chưa xuất hiện dấu hiệu khác thường hay bị sâu bệnh tấn công. Ban đầu phần lá héo rũ và sau từ 5 đến 7 ngày cây khô dần, vỏ rễ bong ra. Đáng lo ngại hơn nữa là số cây phi lao bị chết thường có độ tuổi từ 12 năm tuổi trở lên.
Trước tình trạng này ngành chức năng tỉnh Trà Vinh đã tiến hành lấy mẫu gửi về Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam để xét nghiệm tìm tác nhân gây chết cây nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Ông Hứa Chiến Thắng, Phó hạt kiểm lâm huyện Duyên Hải cho biết: “Chi cục kiểm lâm phối hợp với Chi cục bảo vệ thực vật tiến hành lấy mẫu, cả mẫu cây và mẫu đất để xác định nguyên nhân cây bị bệnh. Cho đến nay các ngành chức năng cũng chưa trả lời được do bệnh gì nên chưa xử lý số lượng cây chết được.”
Trên 65km bờ biển của tỉnh Trà Vinh phần lớn được bảo vệ bằng hàng cây phi lao rộng từ 50 đến hơn 100m. Những năm gần đây thời tiết ngày càng biến đổi và khó lường, hàng chục ngàn cây phi lao tại đây bị triều cường, sóng biển đánh trơ gốc và chết. Nay lại xuất hiện bệnh lạ làm cây chết hàng loạt.
Nếu không sớm tìm ra nguyên nhân và phòng trị kịp thời thì tình trạng sạt lở đất khu vực ven biển Trà Vinh sẽ nghiêm trọng hơn, theo đó đời sống của cư dân ven biển vốn khó khăn thì càng khó khăn hơn.
MXD
Comments[ 0 ]
Post a Comment