Ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đang là thách thức không nhỏ
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bùi Cách Tuyến, những năm gần đây, ngành công nghiệp công nghệ thông tin ở Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, đi cùng với tốc độ phát triển thì tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghệ thông tin thời gian qua cũng đang là thách thức không nhỏ đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ các bên liên quan trong việc sản xuất, lưu thông, sử dụng và thu hồi, xử lý các sản phẩm thải bỏ.
Theo Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg, từ ngày 1/1/2015 các sản phẩm thải bỏ như ắc quy và pin, thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp, hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và thuốc sử dụng cho người, dầu nhớt, mỡ bôi trơn sẽ bị thu hồi và xử lý theo nội dung. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thải bỏ phải có trách nhiệm thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; thỏa thuận với người tiêu dùng về cách thức chuyển giao và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi, vận chuyển đến cơ sở xử lý...
Như vậy, thời điểm cho việc thực hiện thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ đã rất cận kề, tuy nhiên tại buổi hội thảo diễn ra sáng hôm qua nhiều doanh nghiệp cho biết trong quá trình thiết lập hệ thống thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ họ gặp không ít băn khoăn. Đại diện Công ty Panasonic nêu ví dụ: Nếu một người chuyên thu gom đồ điện tử, trước khi đưa đến công ty những sản phẩm thu hồi thì chính người thu gom này đã lấy đi những thành phần quan trọng, có giá trị nhất trong sản phẩm đó như cuộn lõi dây đồng chẳng hạn. Điều này có nghĩa là người thu gom mang tới sản phẩm không hoàn chỉnh thì nhà nhập khẩu/sản xuất có thể từ chối tiếp nhận hay không? Hay vấn đề công ty có rất nhiều tầng lớp nhà phân phối khác nhau, vậy khi công ty báo cáo kết quả thu hồi, xử lý sản phẩm tới Tổng cục Môi trường thì chỉ báo cáo về nhà phân phối trực tiếp của mình (hàng phân phối thứ nhất) có được hay không?...
Theo ông Phạm Hồng Quân, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam cho hay: Dầu thải và ác quy là những mặt hàng có giá trị và có thể bán cho những cơ sở vận chuyển và đơn vị xử lý bất hợp pháp. Đây đang là dòng lưu chuyển chính của việc tái chế hiện nay ở Việt Nam. Các cơ sở bất hợp pháp (vận chuyển và nhà cung cấp) có giá thu mua cao hơn so với cơ sở thu gom và xử lý được cấp phép. Tình trạng này sẽ gây khó khăn lớn cho hoạt động thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ theo đúng quy định…
Những vướng mắc trên của các doanh nghiệp sẽ được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nghiên cứu để đưa ra giải pháp phù hợp.
Cũng theo Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg thì từ ngày 1/1/2016 sẽ thu hồi và xử lý máy sao chụp giấy, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt và săm, lốp các loại thải bỏ. Tiếp đến, các loại phương tiện giao thông như xe môtô, xe gắn máy, xe ôtô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ ngày 1/1/2018.
PTT
Comments[ 0 ]
Post a Comment