TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ TRUNG QUỐC BỊ RÚT GIẤY PHÉP DO GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

12:00 PM |
Chính quyền Cộng hòa Tchad, một quốc gia ở Trung Phi đã rút giấy phép thăm dò hoạt động của tập đoàn dầu khí quốc doanh Trung Quốc (CNPC) với cáo buộc không đền bù đủ 2,1 tỷ USD và ngang nhiên vi phạm các luật lệ về môi trường.
              
Bộ trưởng Dầu khí Djerassem Le Bemadjiel trong cuộc họp báo tại Djamena khẳng định: “Chính phủ Tchad đã ban hành quyết định hủy bỏ 5 giấy phép thăm dò từng cấp cho CNPC. Hành động này nhằm hạn chế tình trạng môi trường bị xuống cấp chứ không phải để tạo chỗ trống cho công ty khác thay thế”.
Hơn nữa, quốc gia này cũng có ý định sẽ khởi kiện CNPC ở Pháp và Ndjamena. Chánh văn phòng Nhà nước Abdoulaye Sabre khẳng định : “Mọi cuộc thương lượng giờ đây đều vô ích. Tuần tới, một phái đoàn chính phủ sẽ đến Paris để nộp hồ sơ khởi kiện tại tòa án thương mại về việc từ chối trả tiền phạt. Một đơn kiện thứ hai đã được nộp ở tòa sơ thẩm Ndjamena vì tội xâm hại môi trường và gây nguy hiểm cho sinh mạng con người”.
Bộ trưởng Djérassem Le Bémadjiel nói trên AFP : “Chúng tôi đã đến khu vực hoạt động của China National Petroleum Corporation International Chad (NNPCIC) tại Koudalwa (cách thủ đô Ndjamena khoảng 200 km) – một chi nhánh của CNPC ở Tchad. Chúng tôi nhận thấy công ty này đã ngang nhiên vi phạm các tiêu chuẩn môi trường. Không chỉ không có thiết bị để làm sạch chỗ dầu thô bị đổ, mà họ còn cố ý đổ để giảm chi phí. Họ đào những đường hào khổng lồ và trút dầu thô vào những rãnh này mà không hề bảo vệ, sau đó họ gọi các công nhân người Tchad đến múc chỗ dầu ấy đi, mà không quan tâm đến việc bảo hộ cho công nhân”.
Hồi tháng 5 vừa qua, CNPC đã nhận án phạt 1,2 tỷ USD  và phải ngừng mọi hoạt động thăm dò với cáo buộc “có những hành động gây hại cho môi trường”. Không chỉ vậy, các vụ ô nhiễm ở phía Nam Tchad đã buộc chính phủ nước này phải ngừng hoạt động khoan của CNPC từ tháng 8 - 10 năm ngoái. Trong khi đó, CNPC hoạt động ở đây từ năm 2003 và sở hữu 60% cổ phần của một nhà máy lọc dầu ở thủ đô Tchad. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến, năm nay Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ để trở thành quốc gia nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới.
Về phía CNPC cho rằng, mức phạt 1,2 tỷ USD là quá cao và đã đề nghị thương lượng lại nhưng chính quyền Tchad không đồng ý.
Cộng hòa Tchad là một trong số các quốc gia nghèo nhất và tham nhũng nhiều nhất trên thế giới với hầu hết cư dân sống nhờ nông nghiệp tự cung cấp. Từ năm 2003, quốc gia rộng lớn ở châu Phi này bắt đầu khai thác dầu mỏ và trở thành nguồn thu nhập xuất khẩu chính, thay thế công nghiệp bông truyền thống.

Read more…

LÀM SỐNG RÁC THẢI THÀNH VẬT DỤNG

11:34 AM |
                       Ông Thơm và "chiến mã" đi thu gom rác
                                   Ông Thơm và "chiến mã" đi thu gom rác
Nghề thu gom rác thải là một công việc vất vả, dơ bẩn với bất cứ ai, thế nhưng ông Tống Văn Thơm lại xem đó là một niềm vui, niềm đam mê với công việc khi “tái sinh” những thứ người ta vứt bỏ tạo ra những món đồ, sản phẩm và giảm lượng rác thải ra ngoài môi trường.
Cái duyên với... rác
Đặt chân lên Sài Gòn từ năm 1975, ông Thơm lăn lộn kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, thế nhưng có lẽ cái duyên đã đưa ông đến với công việc thu gom rác thải khi quen vợ mình làm công việc lao công.
Làm công việc này, đi tới đâu người ta cũng xem mình như người dơ bẩn, chỉ cần thấy xe rác là mọi người xa lánh, khó chịu. Những ngày đầu đến với nghề này, tôi cũng buồn và suy nghĩ rất nhiều nhưng làm riết thành quen và yêu nghề khi nào không hay”, ông Thơm tâm sự. Trải qua nhiều năm gắn bó với rác, suy nghĩ, trăn trở từ môi trường về vấn đề rác thải để rồi đến năm 1982 ông Thơm nảy sinh ra ý tưởng tận dụng rác thải có thể sử dụng được lau chùi sạch sẽ rồi lắp ráp, làm mới thành những món đồ “sống lại”.
                    
                    
                              Ông Tống Văn Thơm chế tạo robot mini từ rác thải
Ban đầu ông chỉ phục chế làm mới những đồ đã qua sử dụng thành những vật dụng cần thiết hay gắn liền với gia đình như cây đàn, chiếc xe máy cũ, tivi... Mãi đến năm 1998, khi đó TP.HCM phát động phong trào bảo vệ môi trường, ông mới nhận thức rõ và biến ý tưởng rác thành các mô hình hữu ích có giá trị hơn như đầu hát đĩa, rô bốt học tiếng anh, máy chiếu…“Tôi không được học, không có tiền vốn, đi kiếm các vật liệu cũng kéo dài nên có gì làm đó, đi nhặt rác thấy cái nào tận dụng, còn làm được là tôi mang về cắt, chắp nên nhiều khi để hoàn chỉnh được một món đồ cũng mất rất nhiều thời gian”, ông Thơm chia sẻ.
2.000 món đồ chế biến từ rác thải
Căn nhà 2 lầu trên đường Lê Văn Khương, quận 12, TP.HCM mà ông Thơm thuê ở cùng gia đình giờ đây đã chất đầy những món đồ tái chế từ rác thải chỉ còn lối đi nhỏ ra vào. Là một công nhân vệ sinh môi trường ông Thơm quan niệm “Bảo vệ môi trường mỗi người phải hiểu về rác là sự cần thiết nhưng quan trọng là hành động mới thiết thực để chung tay làm cho môi trường xanh, sạch đẹp”.
Trong quá trình làm công việc thu gom rác thải, cái gì còn dùng được là ông đều nhặt mang về nhà rồi chế tạo thành những vật dụng, món đồ khác nhau chứ để chôn hoặc đốt thì những loại rác thải đó đều ảnh hưởng đến môi trường và khó phân hủy nên mình làm cho nó sống lại để giảm sự ô nhiễm. Vô số những vật dụng tưởng chừng đã thành vô dụng, là thứ vứt đi của mọi người thế nhưng bằng đôi tay của ông Thơm đó lại là món đồ ý nghĩa và đầy giá trị.
Sau 22 năm gắn bó với việc tìm tòi, sáng chế ra những món đồ tận dụng phế liệu từ rác gắn liền với cuộc sống nhằm chung tay bảo vệ môi trường tới nay ông Thơm đã có tới 2.000 mô hình đó là một thành quả lớn nhất của người đàn ông gần nửa đời gắn bó với công việc thu gom rác thải.
Những món đồ chơi tinh xảo được ông Thơm tái chế từ rác
Trong 2.000 món đồ tài chế của ông Thơm, có rất nhiều những sản phẩm có giá trị được nhiều người hỏi mua với giá cao nhưng ông Thơm vẫn không bán như máy quay đĩa, máy chụp hình, cassette, radio, TV, âm li, máy chiếu, xe tăng, máy bay, rô bốt, thuyền, rô bốt học tiếng anh… Ông hào hứng nói: “Với tôi, mỗi đồ vật đều có linh hồn, làm sống lại chúng không chỉ tái sinh một cuộc đời mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Tôi cứ làm để đó, nhiều khi tụi học sinh, sinh viên nó cần tới những món đồ để nghiên cứu sử dụng vào công việc học tập tôi sẵn sàng cho luôn để lớp trẻ biết yêu quý, cũng như có cảm hứng, ý thức mà bảo vệ môi trường”.
Nguyễn Thanh Tùng sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM người được ông Thơm tặng cho mô hình chiếc thuyền tái chế từ vật liệu rác thải chia sẻ: “Em đang làm luận án nghiên cứu về vấn đề tái chế rác thải với môi trường nên rất muốn tìm hiểu những câu chuyện về rác, vô tình gặp ông Thơm ở ngày hội tái chế rác thải nên được ông Thơm chia sẻ, hướng dẫn và trao đổi ý nghĩa của rác thải để rồi em biết quý trọng với rác và từng bước tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng trong việc học tập và hoàn thành tốt luận án rác thải với môi trường”.
Những món đồ tái chế của ông làm ra đều được mọi người đón nhận một cách trân trọng, ý nghĩa, thiết thực với môi trường bởi chính bàn tay lao động của ông Thơm. Khi được hỏi về nguyện vọng, ông cười nói: “Đã là công việc mình yêu thích và đam mê thì tôi sẽ gắn bó tới khi không còn sức khỏe, với mong muốn tạo ra những mô hình, những sản phẩm góp phần giảm thiểu rác thải của môi trường và giúp cho mọi người hiểu hơn về lợi ích của rác nếu chúng ta biết sử dụng một cách hợp lý”.
Lê Quyết
Read more…

XU HƯỚNG MỚI: KHÔNG GIAN XANH TRONG MÔI TRƯỜNG SỐNG

9:37 AM |

Không gian xanh đang trở thành tiêu chí để đánh giá chất lượng cuộc sống và văn minh đô thị tại Việt Nam.
Khi nhắc đến Singapore, hầu hết ai cũng sẽ nghĩ đến một quốc gia nổi tiếng về môi trường xanh, sạch, hiện đại… Quốc gia này đã áp dụng chiến lược vườn tường, vườn mái, vườn ở bất cứ nơi đâu để đi đâu cũng là màu xanh thiên nhiên. Với 300 công viên và 9.000 ha cây xanh, diện tích cây xanh ở Singapore chiếm xấp xỉ 50% diện tích lãnh thổ, là tỉ lệ đáng mơ ước của nhiều thành phố trên thế giới.
Với thành tựu đáng nể, Singapore là hình mẫu lý tưởng cho các quốc gia khác noi theo, trong đó có Việt Nam. Thực tế, một số khu đô thị tại Việt Nam đã  ứng dụng bài học thực tiễn đó vào việc xây dựng, quy hoạch các khu dân cư. Cây xanh không chỉ liên tục được trồng thêm và trồng mới trên các tuyến đường, công viên mà còn được bổ sung vào quy hoạch tổng thể của các khu đô thị, khu dân cư mới.
Hiện nay, không gian xanh đã trở thành tiêu chí để đánh giá chất lượng cuộc sống và văn minh đô thị tại Việt Nam. Điều này thể hiện tại các khu đô thị mới, chung cư, cao ốc văn phòng… những nơi này có giá trị hơn, thu hút khách hàng hơn là nhờ vào cảnh quan môi trường, nhờ vào những mảng xanh trong không gian, như khu Thảo Điền (quận 2), đặc biệt là khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) với diện tích phủ xanh là 124ha trên tổng 433ha quy hoạch tổng thể.
Gõ caption vào đây
Góc trong lành và bình yên tại Phú Mỹ Hưng
Hiện nay, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng là một trong những nhà đầu tư tại Việt Nam luôn đề cao lợi ích và chất lượng sống của cư dân lên hàng đầu. Ngay từ ý tưởng thiết kế đô thị ban đầu thì đô thị này đã được Công ty Skidmore, Owings & Merrill (Mỹ) quy hoạch tổng thể với tiêu chí bảo tồn, phát huy những giá trị vốn có của vùng đất Nam Sài Gòn, đặc biệt là mảng xanh.
Ngoài 2 công viên có diện tích lớn là công viên Hồ Bán Nguyệt rộng hơn 70.000m2, công viên nối dài ở khu dân cư Nam Viên có tổng diện tích khoảng 45.000m2 thì Phú Mỹ Hưng còn có hệ thống các công viên, mảng xanh có diện tích từ 1.000m2 đến 80.000m2 cùng hàng trăm công viên nội khu. Đây vừa là điểm đến thư giãn cho cư dân vừa là những con đường kết nối người dân từ nhà đến các khu tiện ích đô thị. Khu đô thị này không chỉ sang trọng vì cơ sở hạ tầng được đầu tư, quy hoạch tốt, mà còn thể hiện được sự hài hòa giữa các công trình kiến trúc với thiên nhiên, mang lại bầu không khí trong lành…
Phú Mỹ Hưng từng nhận giải thưởng kiến trúc đô thị lần thứ 42 của tạp chí Kiến Trúc Tiến bộ Mỹ tổ chức hàng năm (1995), Giải thưởng Danh dự của Viện Kiến trúc Mỹ (1997), Giải thưởng danh dự về quy hoạch xuất sắc do Urban Land Institute trao tặng (2012)...

Read more…

NGANG NHIÊN LẤN CHIẾM LÒNG HỒ SUỐI HAI

9:24 AM |
Hồ Suối Hai (huyện Ba Vì, Hà Nội) được hoàn thành cách đây 50 năm với mục đích tưới tiêu, thoát lũ, cải thiện môi trường... Tuy nhiên gần đây, hồ Suối Hai bị người dân đổ đất lấn chiếm, trồng trọt trong lòng hồ...

                        Một điểm đổ đất lấn chiếm lòng hồ Suối Hai tại xã Ba Trại. Ảnh: KN-TV
                          Một điểm đổ đất lấn chiếm lòng hồ Suối Hai tại xã Ba Trại. Ảnh: KN-TV
PV Tiền Phong đến xã Ba Trại (huyện Ba Vì), địa phương được phản ánh để xảy ra tình trạng đổ đất lấn chiếm nghiêm trọng nhất. Một người dân có trang trại trồng chè gần nơi xảy ra vi phạm cho biết, thời gian gần đây ông thấy có một số xe chở vật liệu, đất đá đổ xuống lòng hồ Suối Hai. 

Tiếp đó, máy xúc, máy ủi cũng được đưa đến san phẳng thành một khoảng đất rộng, nhô cao hơn 2 mét so với mực nước hiện tại của lòng hồ. Rồi người đàn ông này đưa chúng tôi ra sát mép hồ, ở đó có thể quan sát thấy có chỗ của hồ Suối Hai chỉ còn lại như một dòng sông nhỏ. 
“Đây thuộc xóm 6, còn nơi vi phạm thuộc xóm 7 xã Ba Trại. Từng nhiều năm trồng chè tại đây, tôi chưa bao giờ thấy tình trạng đổ đất xuống lòng hồ quy mô như vậy”- Người đàn ông địa phương nói trên cho biết.
Ngoài xã Ba Trại, hồ Suối Hai còn tiếp giáp với địa bàn các xã Cẩm Lĩnh, Tản Lĩnh, Thụy An của huyện Ba Vì. Qua tìm hiểu được biết, tại các xã trên cũng xảy ra hiện tượng đổ đất, san nền, trồng cây trong khu vực lòng hồ Suối Hai. Vi phạm nhiều nhất thuộc địa bàn xã Tản Lĩnh với các biểu hiện như đào ao thả cá, trồng trọt... lấn chiếm mặt bằng lòng hồ.
Từ đầu năm 2014 đến nay, Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì (thuộc Cty TNHH Một thành viên Thủy lợi Sông Tích), đơn vị được giao quản lý mặt nước hồ Suối Hai đã phối hợp cùng UBND các xã Ba Trại, Tản Lĩnh, Cẩm Lĩnh, Thụy An lập biên bản nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý sau đó lại chưa mạnh tay khiến sự việc không được giải quyết dứt điểm, dẫn đến tái phạm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Dương, Trạm trưởng Trạm quản lý đầu mối hồ Suối Hai (thuộc Xí nghiệp quản lý Thủy lợi Ba Vì) xác nhận việc người dân hiện đổ đất, trồng cây... để lấn chiếm lòng hồ Suối Hai. Điển hình của việc đổ đất lấn chiếm lòng hồ thuộc về gia đình ông Trần Nam Thắng, diễn ra ở địa bàn xã Ba Trại, hiện đã bị Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì và UBND xã Ba Trại lập biên bản, do vi phạm Pháp lệnh về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Theo ông Dương, có một dạng vi phạm phổ biến hơn cả nhưng rất khó xử lý là việc người dân lấn trồng cây vào diện tích lòng hồ. Khi bị lập biên bản, không ít người dân cho rằng, mực nước rút thì họ trồng cây, nếu nước dâng trôi hết hoa màu thì tự họ chịu chứ đâu có ảnh hưởng gì đến lòng hồ Suối Hai. 
“Mặc dù trực tiếp quản lý lòng hồ, nhưng Trạm quản lý đầu mối hồ Suối Hai lại không được lập biên bản vi phạm mà phải báo để chính quyền địa phương làm việc đó”- ông Dương cho biết. 
Còn ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Trạm trưởng Trạm quản lý đầu mối hồ Suối Hai cho rằng, để tránh việc hồ bị lấn chiếm như hiện nay, cần phải phân định rõ mốc giới giữa đất lòng hồ và đất của người dân. Đây là việc làm khó khăn, nhưng nếu không làm nhanh để người dân lấn chiếm như hiện nay thì rất khó xử lý.
Trước thực trạng trên, một số lãnh đạo địa phương có địa bàn giáp với hồ Suối Hai mà chúng tôi có dịp trao đổi cũng cho rằng, tình trạng lấn chiếm lòng hồ đang là điều cần quan tâm giải quyết hiện nay. 
Ông Bùi Quốc Minh, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cho biết, do đặc thù địa hình nên khi nước hồ Suối Hai cạn, một số người dân đã tranh thủ trồng cây ngắn ngày hoặc đào ao thả cá nên phải thường xuyên kiểm tra mới hạn chế được vi phạm. 
Còn ông Đinh Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Ba Trại cho biết: Việc gia đình ông Trần Nam Thắng đổ đất lấn chiếm hồ Suối Hai hơn 1.000 m2 là trường hợp rất nghiêm trọng, nên địa phương đã phối hợp với Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì đang tiến hành xử lý, buộc đối tượng phải chuyển khối lượng đất đổ lấn chiếm, trả lại nguyên dạng cho lòng hồ.  


Read more…

ĐIỆP KHÚC Ô NHIỄM TẠI HỒ GƯƠM

6:00 AM |

 Môi trường nước tại Hồ Gươm (Hà Nội) đang bị ô nhiễm trầm trọng khi bao nilông, rác thải của người dân vứt bừa bãi xuống hồ ngày một nhiều, khiến cá chết nổi lềnh bềnh trông rất thương tâm

Cá chết nổi lềnh bềnh trông rất thương tâm
Sáng 8.8, nhiều du khách nước ngoài cho biết họ rất đau lòng trước cảnh tượng này. Còn chị Phạm Thị Minh Nguyệt (P.25, Q.Bình Thạnh, TPHCM) nói với PV: “Lần đầu tôi ra đây tham quan, nhưng thấy môi trường của Hồ Gươm không được sạch sẽ lắm. Rác dạt vào quanh bờ hồ nhiều quá trông rất mất vệ sinh.Mong người dân và khách du lịch nên ý thức để bảo vệ “lá phổi” của chính mình và các loại động thực vật đang sinh sống ở Hồ Gươm”.
Rác quanh bờ hồ trồng phản cảm và góp phần làm ô nhiễm nước hồ

Read more…

"VĂN HÓA" CỦA MỘT PHÓ CHỦ TỊCH XÃ

4:30 PM |
Trong quá trình tác nghiệp, tìm hiểu nạn khai thác vàng trái phép tại xã Cắm Muộn (Quế Phong, Nghệ An), PV Lang Đình Tiệp (Báo Tài Nguyên và Môi trường) đã bị Phó chủ tịch xã này đe dọa hành hung.

Theo đó, vào ngày 6/8, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, PV Đình Tiệp đã vào khu vực Khe Què thuộc xã Cắm Muộn phát hiện rất nhiều tốp đào tìm vàng trái phép, băm nát nhiều cánh rừng tại các bản làng nơi đây. Theo phóng viên phản ánh và ghi nhận được, tại khu vực này, có nhiều tốp cùng với nhiều máy múc đang hoạt động khai thác vàng trái phép, đồi núi tan hoang, khe suối đục ngầu, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Nhiều tốp khai thác vàng trái phép tại Khe Què - Ảnh: Đình Tiệp

Sau khi ghi nhận thực tế tại hiện trường, PV Đình Tiệp đã vào trụ sở UBND xã Cắm Muộn để làm việc. Tại trụ sở UBND xã này, ông Lữ Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn xác nhận thông tin có tình trạng khai thác vàng trái phép tại địa bàn xã, đồng thời kiến nghị những khó khăn mà chính quyền gặp phải trong quá trình đẩy đuổi “vàng tặc”. Sau khi làm việc xong, PV vừa ra khỏi trụ sở UBND xã thì có một số đối tượng lạ mặt xuất hiện, trong đó có ông Lô Văn Vinh – Phó chủ tịch UBND xã Cắm Muộn chặn xe của PV lại và đòi hành hung.

Sự việc xẩy ra bất ngờ nên PV đã vào trụ sở UBND xã để nhờ sự trợ giúp của chính quyền. Tuy nhiên, tại đây ông Vinh vẫn hung hăng và đòi đánh phóng viên bất chấp sự can ngăn của chủ tịch UBND xã cũng như Bí thư Đảng uỷ xã Cắm Muộn.

Để giải quyết tình hình PV Đình Tiệp đã phải liên lạc với ông Lữ Đình Thi –Bí thư Huyện ủy Quế Phong để nhờ can thiệp. Mặc dù vậy, mãi đến hơn 15h chiều thì PV mới được ông Bí thư đảng uỷ xã đưa được ra khỏi địa bàn xã Cắm Muộn an toàn.

Trước sự việc ông Phó chủ tịch xã Cắm Muộn đòi hành hung PV một cách vô cớ, thể hiện sự thiếu văn hoá cũng như cách hành xử khiến cho nhiều người dân có mặt tại trụ sở UBND xã Cắm Muộn và nhiều cán bộ xã này hết sức bức xúc. Ông Lữ Đình Thi cũng xác nhận, sau khi nhận được thông tin, UBND huyện đã giao cho xã Cắm Muộn kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi cư xử thiếu văn hóa của cán bộ địa phương này.
Theo Công an Nghệ An online
Read more…

SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN Ở KIÊN GIANG

3:55 PM |
                      
Sạt lở rừng phòng hộ biển. Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh TRí/TTXVN)


Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang, trên địa bàn tỉnh có hơn 385km bờ sông, bờ biển bị sạt lở và nhiều đoạn, tuyến khác tiềm ẩn nguy cơ sụt lở cao ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất và đời sống của người dân. 

Theo đánh giá của các ngành chức năng, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại tỉnh Kiên Giang rất nghiêm trọng nhất là cao điểm mùa bão, lũ sắp đến. Trong khi đó nguồn vốn đầu tư chống sạt lở khá lớn, vượt khả năng của địa phương.

Điển hình như tuyến bờ biển dài hơn 200km từ Mũi Nai (Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (An Minh) tiếp giáp với tỉnh Cà Mau có nhiều đoạn bị sạt lở gần đến chân đê quốc phòng. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhiều tác động bất lợi khác...

Bên cạnh đó, đai rừng ngập mặn phòng hộ ven biển mỏng và nhiều đoạn rừng mất đi, không còn khả năng phòng hộ bảo vệ, làm giảm cường độ của sóng biển đánh mạnh vào bờ. Tình trạng khai thác đánh bắt ven bờ vừa gây suy kiệt nguồn lợi thủy sản, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái rừng, biển ven bờ làm mất khả năng tái tạo, phục hồi của rừng phòng hộ.

Tình trạng sạt lở hai bên bờ cũng xuất hiện ở hầu hết các con sông, kênh xáng, nhất là những dòng sông, kênh rạch dọc theo tuyến Quốc lộ 80, 61 và 63. Do lượng tàu thuyền lưu thông với mật độ dày, tạo sóng mạnh đánh vào bờ và xe có trọng tải nặng chạy trên đường, gây áp lực tải trọng mặt đường, nhất là những đoạn nền đất yếu. Cùng với đó, trên vùng Tứ giác Long Xuyên, vào mùa lũ hàng năm, nước lũ thượng nguồn đổ về khối lượng lớn, cường độ mạnh kết hợp với mưa bão kéo dài gây sạt lở, nhất là những khu vực tiếp giáp nhiều nguồn nước tạo dòng xoáy tác động vào hai bên bờ sông, kênh rạch.

Theo ông Lâm Hoàng Sa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, tỉnh đang xây dựng dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển để thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án đã được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức thống nhất, đang trong quá trình hoàn thiện dự án, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2015.

Trong quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến năm 2020, định hướng năm 2030 ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phục vụ phát triển sản xuất toàn vùng, Kiên Giang được phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn thiện đê biển Tây, một số tuyến đê sông, xây dựng nhiều công trình thủy lợi trọng điểm. Các công trình này sẽ góp phần hạn chế, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển.

Trước mắt, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương rà soát lại những bờ sông, bờ biển bị sạt lở, tập trung gia cố, bồi trúc và trồng cây gây rừng. Tỉnh tiếp tục thực hiện nhanh những dự án khôi phục rừng ngập mặn phòng hộ ven biển tại các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất và Kiên Lương. Khoán bảo vệ phát triển rừng cho hộ dân và kiểm soát chặt chẽ việc trồng rừng theo đúng tỷ lệ quy định để tái sinh, khôi phục nhanh rừng ngập mặn ven biển, tăng khả năng phòng hộ, ứng phó trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. 

Các mô hình canh tác có hệ thống cây xanh chống xói lở, sạt lở đất, chắn gió bảo vệ mùa màng được khuyến khích xây dựng, ổn định mô hình sản xuất ngư-nông -lâm nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, năng suất và chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.../.
Read more…

Hot