TỒN LƯU HÓA CHẤT BẢO VỆ THỰC VẬT Ở VIỆT NAM

10:12 AM |


 - Trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam các loại hóa chất bảo vệ thực vật đã được sử dụng từ nhiều năm trước đây. Thời kỳ đó do tình hình phát sinh, phát triển của sâu hại, dịch bệch diễn biến chưa phức tạp nên số lượng và chủng loại hóa chất bảo vệ thực vật chưa nhiều.

Tồn[-]lưu[-]hóa[-]chất[-]bảo[-]vệ[-]thực[-]vật[-]ở[-]Việt[-]Nam:Ô[-]nhiễm[-]do[-]tồn[-]lưu[-]và[-]giải[-]pháp[-]khắc[-]phục

Ngày đó, do thiếu thông tin và do chủng loại hóa chất còn nghèo nàn nên người nông dân đã sử dụng nhiều loại hóa chất có độc tính cao, tồn lưu lâu trong môi trường. Những năm gần đây, do thâm canh tăng vụ, tăng diện tích, do thay đổi cơ cấu giống cây trồng nên tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp hơn. 

Bên cạnh đó, tình trạng hóa chất bảo vệ thực vật nhập lậu vào nước ta vẫn xảy ra và trong thời gian gần đây có xu hướng gia tăng. Các loại hóa chất bảo vệ thực vật này được đóng gói bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn mác, không biết thành phần hoạt chất, không có hướng dẫn sử dụng. Điều đáng lo ngại là hầu hết các loại hóa chất tồn đọng này được lưu giữ trong các kho chứa tồi tàn hoặc bị chôn vùi dưới đất không đúng kỹ thuật nên nguy cơ rò rỉ vào môi trường là rất đáng báo động. Các kho hóa chất hầu hết được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước, khi xây dựng chưa quan tâm đến việc xử lý, kết cấu, nền móng nên việc ô nhiễm đất tại các kho thuốc này là điều không thể tránh khỏi. 

Hơn nữa, từ trước đến nay các kho chứa này không được quan tâm tu sửa, gia cố hàng năm, nên đều đã và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nền và tường kho phần lớn bị rạn nứt, mái lợp đã bị hỏng, dột nát, nhiều kho không có cửa sổ, cửa ra vào được buộc gá tạm bợ; hệ thống thoát nước hầu như không có nên khi mưa lớn tạo thành dòng mặt kéo theo lượng thuốc tồn đọng gây ô nhiễm môi trường nước xung quanh. Đây là những yếu tố tiềm ẩn gây hại đối với nông nghiệp và môi trường.

Ngoài ra, việc không tuân thủ thời gian cách ly sau khi phun thuốc, tình trạng vứt bao bì hóa chất bảo vệ thực vật bừa bãi sau sử dụng khá phổ biến. Thói quen rửa bình bơm và dụng cụ pha chế hóa chất không đúng nơi quy định gây ô nhiễm nguồn nước, ngộ độc cho động vật thủy sinh cũng cần được cảnh báo và khắc phục ngay. Cùng với hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, các loại thuốc và bao bì, đồ đựng hóa chất bảo vệ thực vậtđang là nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng và gây ô nhiễm môi trường nếu không được áp dụng các biện pháp giải quyết khẩn cấp.

Hóa chất bảo vệ thực vật làm thoái hóa đất, ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm không khí và gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái. Hóa chất gây ô nhiễm môi trường thông qua nhiều con đường khác nhau như nước thải từ kho chứa thuốc khi có sự cố đổ vỡ hóa chất, cháy nổ, sét đánh xảy ra, nước mưa chảy tràn qua các kho chứa hóa chất bảo vệ thực vật đã bị xuống cấp, lượng thuốc còn dư đọng lại trong chai bị quăng xuống ao, hồ, sông hay lượng thuốc dư thừa trong quá trình sử dụng quá liều lượng ngấm vào đất cũng như mạch nước ngầm...

Không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu với bốn tính chất độc hại, khó phân hủy, khả năng di chuyển xa, tích lũy sinh học còn gây ra những ảnh hưởng có hại đối với khả năng sinh sản, sự phát triển, hệ thần kinh, tuyến nội tiết và hệ miễn dịch đều có liên quan tới hóa chất. Con người bị nhiễm chủ yếu thông qua các thực phẩm ô nhiễm, các đường khác ít phổ biến hơn là uống nước ô nhiễm và tiếp xúc trực tiếp với hoá chất. Đối với con người và động vật có vú, các hóa chất bảo vệ thực vật có thể được lây truyền thông qua nhau thai và sữa mẹ tới động vật sơ sinh.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước, các giải pháp về chính sách đã được đưa ra thảo luận và ban hành. Ngày 22/7/2002, Chủ tịch nước đã ký phê chuẩn tham gia Công ước Stockholm về loại bỏ các chất gây ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ, trong đó chủ yếu là các loại hóa chất bảo vệ thực vật. Năm 2007, Quốc hội đã ban hành Luật Hóa chất, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố quy định việc xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xây dựng kế hoạch xử lý các khu vực, kho (gọi tắt là điểm) hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường, các điểm tồn dư hóa chất trong thời kỳ chiến tranh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo đó, ngày 21/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1946 về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước. Sau 3 năm triển khai, cơ chế chính sách từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Bên cạnh những giải pháp về chính sách kể trên, hiện nay có nhiều giải pháp về kỹ thuật đang được áp dụng để tiêu hủy hóa chất bảo vệ thực vật.

Hiện nay ở nước ta có 2 đơn vị được cấp phép áp dụng công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng để xử lý hóa chất bảo vệ thực vật POP là Công ty xi măng Holcim và Công ty xi măng Thành Công. Đối với các lò đốt chất thải chuyên dụng, có khá nhiều các lò đốt chất thải thông thường và chất thải nguy hại được áp dụng và cấp phép, nhưng chưa có cơ sở nào được cấp phép để đốt hóa chất bảo vệ thực vật POP. Nhóm giải pháp không đốt hiện có nhiều phương pháp đang được áp dụng tại Việt Nam bao gồm phương pháp cô lập triệt để, công nghệ chôn lấp, công nghệ khử bằng natri, phân hủy bằng tia cực tím hay công nghệ Fenton, công nghệ vi sinh…

Cùng với những giải pháp về chính sách, kỹ thuật, các giải pháp về truyền thông cũng cần được đẩy mạnh như việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiện hành một cách có ý thức. Cho đến nay, kết quả triển khai các nhiệm vụ xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhận thức về vấn đề ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu của các cấp chính quyền và người dân đã được tăng lên rõ rệt. 

Sau khi ban hành và triển khai Kế hoạch, các Bộ và địa phương tích cực triển khai các chương trình điều tra, khảo sát và lập kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua Dự án POP- PEST đã xử lý 9 khu vực ô nhiễm tại Thái Nguyên, Nghệ An và Hà Tĩnh; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương cho 49 dự án xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường các khu vực ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu cho 12 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí hỗ trợ là 242.045.124.931 đồng. 

Nguồn lực cho công tác khắc phục ô nhiễm các khu vực tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật đã tăng lên rõ rệt, phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Ngoài ra, các Bộ, ngành và địa phương đều thúc đẩy hợp tác quốc tế và huy động các nguồn lực tài chính khác để góp phần triển khai thành công kế hoạch đề ra. Công nghệ xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường được thúc đẩy và chuyển giao. Hiện đã có khá nhiều các nghiên cứu, áp dụng, thí điểm các công nghệ mới như công nghệ Fenton, công nghệ sắt TAML, công nghệ nghiền bi, công nghệ giải hấp nhiệt, công nghệ đốt, đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng... Việc phát triển thị trường công nghệ sẽ góp phần giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất tồn lưu nói riêng và hoạt động bảo vệ môi trường nói chung. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại trong quá trình xử lý hóa chất bảo vệ môi trường mà chúng ta cần phải khắc phục và có hướng giải quyết trong thời gian tới. Nếu không quan tâm kiểm soát việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hoá chất và không kiểm soát chất lượng phun dải hoá chất ngay từ bây giờ, tương lai sẽ còn phát sinh nhiều điểm ô nhiễm do hoá chất bảo vệ thực vật và số tiền phải chi phí cho xử lý ô nhiễm, khám chữa bệnh sẽ tăng, đặc biệt là việc thoái hoá đất, chất lượng đất sẽ bị suy giảm và các thế hệ tương lai sẽ thiếu nghiêm trọng đất canh tác.
Văn Hào (Tinmoitruong.vn)
Read more…

VẬN HÀNH THÀNH CÔNG TRẠM PHÂN TÍCH NƯỚC THẢI DI ĐỘNG CẦN THƠ

10:02 AM |

Đây là trạm phân tích nước thải di dộng đầu tiên ở Việt Nam. Toàn bộ dự án và các trang thiết bị đều đã được phía Đức bàn giao cho trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Thông tin từ phó giáo sư tiến sỹ Bùi Duy Cam, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Chủ nhiệm dự án hợp tác Việt-Đức về xử lý nước thải công nghiệp, ngày 18/11 cho biết các chuyên gia nghiên cứu công nghệ đã vận hành thành công Trạm phân tích nước thải di động tại một số nhà máy ở khu công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ.

Xử lý nước thải công nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Trạm phân tích nước thải di động này hoạt động như một phòng thí nghiệm, có thể phân tích và cho kết quả ngay đối với các chất độc hữu cơ, các chất ôxy hòa tan, phân tích PH, độ axit, độ kiềm của nước thải…

“Các thiết bị phân tích tình trạng ô nhiễm trong nước thải được bố trí lắp đặt trong thùng xe container và sẽ cho kết quả phân tích mức độ ô nhiễm nước nước thải ngay lập tức,” ông Cam khẳng định.

Được biết, các thiết bị và mô hình trạm phân tích nước thải di dộng này đều thuộc dự án hợp tác giữa phía Việt Nam và Đức trong giai đoạn 2012-2014 với nguồn vốn hỗ trợ khoảng 2,5 triệu euro.

Trao đổi thêm với phóng viên Vietnam+ về tính năng của trạm phân tích nước thải di động, ông Cam cho biết, thông thường các trạm quan trắc phải lấy mẫu mang về phòng thí nghiệm, một thời gian sau mới có kết quả, còn thiết bị của trạm phân tích nước thải di động giúp cho các nhà kiểm soát phân tích nhanh, đánh giá ngay được hiện trạng.

“Đơn giản chỉ cần kéo theo trạm này đến các khu công nghiệp, khi đưa mẫu nước vào sẽ có kết quả và số liệu phân tích trong ít phút,” ông Cam nói.

Ông Cam cũng cho biết, đây là trạm phân tích nước thải di dộng đầu tiên ở Việt Nam. Toàn bộ dự án và các trang thiết bị đều đã được phía Đức bàn giao cho trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Kết quả đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá là tốt.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, tính đến hết tháng 10/2014, cả nước đã có 296 khu công nghiệp được thành lập, 664 cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Tại các khu công nghiệp phát sinh lượng nước thải chứa nhiều hóa chất kim loại lên tới trên 600.000m3/ngày đêm. Điều đáng lo ngại là, công nghệ xử lý chất thải tại các khu công nghiệp phần lớn là thủ công lạc hậu nên nước thải ra môi trường đa số chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường, trong đó có tới 97% các cụm chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Theo Hùng Võ (TTXVN)
Read more…

MÁY TẬP THỂ DỤC BIẾN NƯỚC Ô NHIỂM THÀNH NƯỚC SẠCH

9:59 AM |

Vừa tập thể dục vừa làm sạch nước hồ - mô hình độc đáo và mới lạ này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng các đơn vị lần đầu tiên thực hiện không những rèn luyện được sức khỏe mà còn cải thiện môi trường được người dân hào hứng tiếp nhận
Là một trong hai thiết bị dành cho người tập thể dục đang được lắp thí điểm tại hồ Ngọc Khánh và hồ Thanh Nhàn (Hà Nội) do Sở Tài Nguyên Môi Trường Hà Nội cùng các đơn vị khác thực hiện.

Thiết bị gồm hai bộ phận, máy tập thể dục và bộ phận bể lọc nước bao gồm các cấp lọc thô thông thường kết hợp sử dụng các loại cây có khả năng hấp thu chất ô nhiễm trong nước. Các máy tập này tích hợp bơm cơ học giúp bơm nước hồ lên bể lọc, khi người tập thể dục sử dụng máy sẽ khiến bơm hoạt động. 

Theo Nguyễn Thị Ngọc Anh chủ nhân của sáng kiến, cho biết: "Thiết bị đã đoạt giải Eidea do Hội đồng Anh tổ chức năm 2011 dành cho nhóm bạn trẻ tại Viện nước, tưới tiêu và môi trường. Chúng ta có thể thấy hồ đóng vai trò quan trọng đối với không gian đô thị, tuy nhiên hiện nay hầu hết các hồ đều bị ô nhiễm nặng do nhiều nguồn thải khác nhau khiến người đi tập thể dục sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi vận động trong môi trường thiếu trong lành. Do vậy tôi mới có sáng kiến tạo ra một chiếc máy, biến năng lượng của vận động thể dục thành năng lượng có ích và sử dụng năng lượng này vào việc làm sạch hồ".

Ban đầu, Ngọc Anh định sử dụng năng lượng của những người tập thể dục để sản sinh ra dòng điện, tuy nhiên, sau thời gian nghiên cứu, cô thấy việc này không khả quan lắm, vì nếu được, dòng điện cũng sẽ rất yếu.

Trước thực trạng nước hồ ngày càng ô nhiễm, sẵn ý tưởng trong đầu Ngọc Anh đã phát triển ra hệ thống Máy lọc nước hồ sử dụng sức của những người tập thể dục.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống cũng khá đơn giản, dựa vào năng lượng được giải phóng trong quá trình vận động của con người, năng lượng này sẽ làm hoạt động thiết bị bơm nước từ hồ vào hệ thống lọc.

Hệ thống lọc với thành phần chính là những thực vật bản địa có khả năng xử lý nước ô nhiễm, cùng với cát, sỏi, sẽ xử lý các chất ô nhiễm trước khi đưa nước đã qua xử lý vào hồ.

Với hệ thống lọc này, một người tập thể dục trong vòng 1 tiếng đồng hồ có thể làm sạch được 4-7m3 nước tùy theo khả năng vận động của từng người tham gia tập.


Ý tưởng về thiết bị “Sức khỏe xanh” của Ngọc Anh là một trong sáu ý tưởng đoạt giải E-idea 2011 do Hội đồng Anh và Tổ chức Bảo đảm Chất lượng Lloyd’s Register Quality Assuarance (LRQA) phối hợp tổ chức


Nước trong hồ được hút lên trực tiếp vào bể chứa thiết bị lọc như than hoạt tính, màng lọc, cát sỏi và kết hợp một loại cây lọc nước đã được khoa học chứng minh có tác dụng lọc các chất thải hữu cơ trong nước


Máy tập hoạt động nhờ lực đạp của người tập, nước hồ sẽ được hút lên và đổ vào một bể lọc trồng thủy trúc, đáy bể lọc là cát và các vật liệu có khả năng hấp thu các chất hữu cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Chân đạp theo chiều kim đồng hồ kết hợp giữa các động tác của chân và tay



Không những hệ thống lọc nước này rất gọn nhẹ, có thể bố trí một cách hợp lý, phù hợp với diện tích mặt hồ, bờ hồ mà cách sử dụng lại rất dễ dàng, bất kể mọi lứa tuổi đều có thể tham gia" làm sạch nước" bằng chính phần sức lực của mình


Lượng nước sau khi được lọc sạch sẽ thông qua đường ống dẫn trực tiếp chảy xuống hồ

Theo Báo Công Lý
Read more…

CÁT TRẮNG CHẢY MÁU

3:03 PM |
Cát trắng được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài để dùng làm thủy tinh thu được lợi nhuận rất lớn. Ham lợi nhuận, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp đã cố tình khai thác vượt mức cho phép gây thất thu thuế cho Nhà nước và ảnh hưởng đến tài nguyên quốc gia.

* Kỳ 1: Lợi nhuận và lợi dụng

Vùng đất Quảng Nam một sương hai nắng nhưng lại được thiên nhiên ban cho nguồn tài nguyên vô giá là cát trắng. Được ví như vựa cát khổng lồ, Quảng Nam có 5 huyện/thành phố thuộc khu vực dự trữ khoáng sản cát trắng với trữ lượng vào khoảng 250 triệu tấn. Thế nhưng, nguồn tài nguyên này vẫn ngày đêm bị đào khoét không thương tiếc trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Nói không ngoa, nguồn tài nguyên cát trắng đang ngày đêm rỉ máu.

Không phải đến nay nạn khai thác cát trắng mới trở nên nhức nhối đáng báo động mà hàng chục năm qua, cát trắng đã bị khai thác một cách vô tội vạ trong khi những biện pháp chấn chỉnh của chính quyền địa phương chỉ theo đợt, hời hợt hoặc không có hiệu quả.

Con đường ven biển chạy dài từ H. Thăng Bình tới TP Tam Kỳ được ví là con đường cát trắng với những bãi cát mịn màng giờ đây bị hằn những dấu vết bánh xe tải ngang dọc. Hàng đêm, hàng chục chiếc xe đào bới không thương tiếc những ụ cát này, dấu vết để lại vẫn còn rất mới để rồi buổi sáng người ta chỉ còn thấy những vực sâu hoắm 5-7m. Hàng chục năm nay cát trắng đã bị lấy đi như thế để tiêu thụ khắp nơi mà không có cách gì ngăn chặn.

Cát trắng bị khai thác kiểu tận diệt ở Tam Thăng.

Bà Sáu (65 tuổi) ở vùng cát Thăng Bình cho biết: “Nhiều xe ra vô quá rồi chừ cũng không biết ai vô ai ra. Cát thì cứ vô tư lấy đi rứa đó. Lấy mãi tới hồi nào không còn chi lấy nữa thôi. Cát lấy đi rồi để lại những hục nước lớn rất nguy hiểm. Đã từng có trường hợp trâu bò của người dân nơi đây chăn thả bị rơi xuống hục nước chết”.

Điều đáng nói là việc khai thác cát một cách vô tội vạ còn khiến cho tuyến đường phòng hộ ven biển bị ảnh hưởng nặng nề. Ngày 30-10 vừa qua, tổ công tác thuộc CATP Tam Kỳ đã phục kích bắt quả tang 4 xe tải chở cát với tổng số cát là 11m3.

Không chỉ bị “cát tặc” xâu xé mà những bãi cát này còn là địa bàn hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp. Cát trắng được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài để dùng làm thủy tinh thu được lợi nhuận rất lớn. Ham lợi nhuận, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp đã cố tình khai thác vượt mức cho phép gây thất thu thuế cho Nhà nước và ảnh hưởng đến tài nguyên quốc gia. 

Còn nhớ năm 2009, trong quá trình khai thác cát ở xã Bình Phục và Bình Giang (H. Thăng Bình), Cty CP kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam (Minco) đã lợi dụng giấy phép để khai thác trái phép vượt công suất từ 180 nghìn tấn/năm thành 243.803 tấn/năm. 

Không chỉ vậy, Cty không hoàn thổ và hoàn thổ chưa đạt yêu cầu 23ha, không lập báo cáo tác động môi trường. UBND huyện đã kiến nghị đình chỉ hoạt động đối với Minco và xử phạt hành vi vi phạm, truy thu số tiền thất thoát.

Những hố nước hình thành sau khi khai thác cát.

Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 4133 cho phép Cty Vicosimex miền Trung được khai thác cát tại mỏ cát Thuận An (Tam Anh Bắc, Núi Thành) với trữ lượng 7.755m3. Tuy nhiên, Cty này đã cố tình khai thác vượt mức và không đưa vào sổ sách khối lượng 10.565m3. Tổng giá trị mà Vicosimex miền Trung không nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường là 104 triệu đồng.

Trường hợp vi phạm của Cty Minco và Vicosimex miền Trung chỉ là một trong số những doanh nghiệp lợi dụng giấy phép khai thác cát để khai thác vượt mức. Điểm lại trong những năm qua đã có hàng chục vụ khai thác lén lút, vượt mức làm thất thu của Nhà nước hàng tỷ đồng và làm cho nguồn tài nguyên suy kiệt. 

Rất nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhưng vẫn ngang nhiên bất chấp quy định khai thác theo kiểu “tận diệt”, lấy được chừng nào thì lấy, chỉ khi sự việc đã rồi mới tiến hành khắc phục. 

Không chỉ có doanh nghiệp cố tình khai thác vượt số lượng cho phép mà còn có cả doanh nghiệp chưa được cấp phép hoặc giấy phép hết hạn vẫn “nỗ lực” đào xới. Tiền có thể truy thu được nhưng lượng khoáng sản đã mất vĩnh viễn không thể phục hồi. 

Việc khai thác cát trắng một cách vô tội vạ đã đến hồi báo động nhưng tại sao tình trạng trên vẫn chưa thể chấm dứt? Tại những mỏ cát không khó để nhận thấy nhưng việc kiểm tra, quản lý tại địa phương vẫn chưa thực sự rốt ráo hay chỉ làm theo đợt, theo mùa và vẫn còn những lỗ hổng để cát tặc lợi dụng?

Trước thực tế như vậy, câu hỏi đặt ra rằng làm thế nào để có thể quản lý, khai thác cát hiệu quả và chặt chẽ trong khi chính những Cty được cấp giấy khai thác lại cố tình khai thác vượt mức nhiều lần. Nếu tiếp tục tình trạng này sớm muộn mỏ “vàng trắng” của Quảng Nam sẽ cạn kiệt bởi chính bàn tay con người.

HD
Read more…

NHỮNG HỆ LỤY CỦA CHẤT RỐI LOẠN NỘI TIẾT VÀ DƯ LƯỢNG KHÁNG SINH TRONG NƯỚC SÔNG SÀI GÒN - ĐỒNG NAI

2:54 PM |
Vừa qua, một nghiên cứu của Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Đình Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM cùng các cộng sự cho thấy vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai đã xuất hiện một số chất có khả năng gây rối loạn nội tiết và dư lượng kháng sinh, nhiều nơi vượt quá tiêu chuẩn cho phép trong lúc hiện nay, nước ở hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai là nguồn nước thô sau khi xử lý, được dùng để cung cấp cho sinh hoạt của người dân ở TP HCM.


Chất có khả năng gây rối loạn nội tiết và dư lượng kháng sinh trong nước sông Sài Gòn - Đồng Nai là chất gì?

Theo PGS - TS Nguyễn Đình Tuấn, qua phân tích các kết quả nghiên cứu, đã cho thấy sự hiện diện của chất gây rối loạn nội tiết và dư lượng kháng sinh trong nước thải của một số các công ty, xí nghiệp cũng như trong nước sông Sài Gòn - Đồng Nai ở vùng hạ lưu.

Đối với nhóm chất có khả năng gây rối loạn nội tiết Phthalate ester, tần suất phát hiện là 17% trong mẫu nước và 58% trong mẫu bùn, còn dư lượng kháng sinh nhóm Fluoroquinolone là 41% trong mẫu nước, 58% trong mẫu bùn, trầm tích, trong lúc quy trình xử lý nước thải hiện nay chưa thể giải quyết vấn đề này, và chất gây rối loạn nội tiết cũng như dư lượng kháng sinh sẽ tồn lưu và tiếp tục di chuyển ra môi trường, sông suối...

Phthalate ester là một chất lỏng khan, trong suốt hoặc gần như không có màu và rất khó nhận biết mùi vị. Nó tan trong những loại dung môi hữu cơ thông thường như xăng, dầu nhưng không tan trong nước. Vì thế, khi lẫn vào nguồn nước, nó không thể bị phân hủy còn khi vào người, nó tích lũy ở một số bộ phận như gan, tủy xương, thận… Trong công nghiệp, Phthalate ester dùng làm chất hóa dẻo cho nhựa PVC để cho ra những sản phẩm như màng bao bì, cửa lò xo, dây cáp điện,  chất phân tán cho những loại sơn phủ.

Nước sông ô nhiễm vì rác thải.

Theo Tiến sĩ Hoàng Thị Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Công nghệ hóa học TP HCM, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Phthalate có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống sản sinh chất nội tiết (hormon) trong  cơ thể. Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng do nhiễm Phthalate là rất cao.

Theo nhận định của các chuyên gia, Phthalate có tác dụng giống như nội tiết tố sinh dục nữ nên rất có hại cho nam giới và đặc biệt là ở trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em gái có nguy cơ dậy thì sớm...

Với chất kháng sinh Fluoroquinolone, là thành phần chính trong các loại thuốc kháng sinh chữa bệnh với những tên thương mại như Flumequin, Norfloxacin, Enrofloxacin, Ciprofloxacin, Difloxacin, Marbofloxacin, Ofloxacin... được đưa vào sử dụng trong lâm sàng vào những năm 1970. Fluoroquinolone có phổ kháng khuẩn rộng, tác dụng trên cả vi khuẩn gram âm và gram dương.

Tác hại của kháng sinh nhóm Fluoroquinolone được cho là có nguy cơ gây đột biến gien, gây sẩy thai khi sử dụng cho động vật mang thai. Bên cạnh đó, sự tồn lưu trong thời gian dài sau khi sử dụng Fluoroquinolone cũng là nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế và cấm sử dụng những kháng sinh thuộc nhóm này.

Ở nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, các nước  thuộc EU như Anh, Pháp, Đức, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Italia…, các cơ quan chức năng không chấp nhận sự tồn lưu kháng sinh nhóm Fluoroquinolone trong sản phẩm thủy sản và đó cũng là lý do tại sao nhiều lô hàng tôm, cá, mực xuất đi từ Việt Nam bị trả về vì nếu sử dụng những loại hải sản này lâu dài, sẽ bị chứng tổn thương gân gót chân, dẫn đến đứt gân với tỉ lệ 87%. Bên cạnh đó, nó còn có nguy cơ làm bong võng mạc cao gấp 5 lần so với người ăn hải sản không có kháng sinh nhóm Fluoroquinolone.

Chất gây rối loạn nội tiết và dư lượng kháng sinh nguy hiểm như thế nào?

Thật ra, về mặt sinh hóa, Phthalate và Fluoroquinolone không phải là những chất mới nhưng theo các chuyên gia môi trường thì nó được xếp vào nhóm các chất gây "ô nhiễm mới" vì sự hiện diện của nó trong nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp hoặc nông nghiệp, chảy ra sông, hồ, có khả năng gây ra các tác động tiêu cực đến con người và hệ sinh thái.

Tiến sĩ Y, Sinh học Đào Đại Cường, nguyên giảng viên Khoa Dược - Đại học Y Dược TP HCM cho biết: "Nguy hiểm nhất là khi đổ vào sông, hồ, rồi nước sông hồ được xử lý thành nước sinh hoạt thì rất ít người nhận biết được chất gây rối loạn nội tiết, dư lượng kháng sinh vì hàm lượng của nó rất nhỏ. Nhưng một khi đã xâm nhập vào cơ thể người, Phthalate và Fluoroquinolone gây ảnh hưởng không thể sửa chữa được về mặt di truyền cho thế hệ này và thế hệ sau, nhất là nó ảnh hưởng lên hệ sinh dục, gây các bất thường như lưỡng tính, dậy thì sớm...". Thế nhưng đến nay, các chất gây rối loạn nội tiết chưa được đánh giá, kiểm soát chặt chẽ. Rất ít tài liệu công bố về mức độ hiện diện và độc tính của nó trong môi trường ở Việt Nam, có lẽ  vì để "tránh gây hoang mang" cho cộng đồng!

Một trẻ sơ sinh dị dạng do cha, mẹ nhiễm chất gây rối loạn nội tiết.
Từ lâu, các nhà khoa học đã xác định được lượng tồn dư của Phthalate  trong đất, nước, không khí, các loài thủy hải sản, gia cầm và trong cả cơ thể  người. Hiện tại, hơn 500 chất gây rối loạn nội tiết đã được biết đến, phần lớn có  trong thuốc chữa bệnh, kem chống nắng, nước hoa, xà phòng, dầu gội đầu, nước rửa bồn cầu, nước lau kiếng, các đồ dùng bằng nhựa, thuốc bảo vệ thực vật, trừ cỏ, chất chống cháy, dung môi công nghiệp, thuốc khử trùng, chất hóa dẻo.

Theo các nghiên cứu, một số chất gây rối loạn nội tiết có trong mỹ phẩm, thường phân hủy khá nhanh chóng nhưng lại hiện diện lâu dài trong đất, nước, do việc sử dụng rộng rãi, thường xuyên. Ngược lại, với những loại thuốc như kháng sinh, thuốc ngừa thai, thuốc thú y, các chất gây rối loạn nội tiết lại có tính bền vững. Vẫn theo nghiên cứu, khoảng 50 đến 90% liều lượng thuốc vẫn không chuyển hóa khi thải ra khỏi cơ thể và có thể tồn tại nhiều năm trong môi trường xung quanh.

Gần đây nhất, cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện 4 sản phẩm có chứa chất Phthalate vượt quá quy chuẩn trên thị trường đồ chơi trẻ em, bao gồm thú nhún, xe  điều khiển dùng pin, búp bê đầu trái cây và bong bóng hơi, nhập từ Trung Quốc. Kết quả phân tích của Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cho thấy trong 16 chỉ tiêu phân tích, một mẫu thú nhún màu vàng có tổng lượng các chất phthalates là hơn 5.000mg/kg. Trong đó, chất phthalic acid bis butyl ester hơn 140mg/kg và phthalic acid bis ethyl ester là gần 5.000 mg/kg.

Một mẫu khác là mẫu thú nhún màu đỏ có tổng lượng các hợp chất phthalates là hơn 9.500mg/kg. Trong đó, phathalic acid bis butyl ester là gần 9.400mg/kg, còn phthalic acid hexyl 2 ethylhexyl ester là hơn 160mg/kg, phthalic acid bis ethylhexyl ester là hơn 7mg/kg. Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa còn phát hiện xe đồ chơi điều khiển dùng pin và bóng hơi đều chứa Phthalate. Những loại này khi thải bỏ, sẽ là nguồn gây ô nhiễm cho con người và các giống, loài khác bởi lẽ phải mất vài chục - thậm chí cả trăm năm sau nó mới phân hủy hoàn toàn.

Đối với động vật hoang dã, nhiều nghiên cứu cho thấy các chất gây rối loạn nội tiết tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản, tăng trưởng và phát triển, chẳng hạn như dậy thì sớm ở giống cái, giảm khả năng mang thai, dị dạng cơ quan sinh dục, giảm số lượng tinh trùng ở giống đực, kìm hãm sự phát triển của hệ thống thần kinh và hệ thống miễn dịch. Với con người, các nghiên cứu cũng cho thấy việc nhiễm các chất gây rối loạn nội tiết có thể gây hậu quả ở nhiều mức độ khác nhau, tùy vào các giai đoạn của vòng đời hoặc theo mùa và có thể để lại di chứng suốt đời, chẳng hạn như sẩy thai, thai ngoài tử cung, thai chết lưu, sinh non, ung thư tinh hoàn, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú.

Theo Tiến sĩ Đào Đại Cường, trẻ sơ sinh, trẻ em đang tuổi lớn, cơ quan sinh dục dễ bị nhiễm các chất gây rối loạn nội tiết vì nó tác động đến sự phát triển của những bộ phận quan trọng nhất, bao gồm cả hệ thống sản sinh ra nội tiết tố sinh dục.

Cần làm gì để ngăn chặn hậu quả của chất gây rối loạn nội tiết và dư lượng kháng sinh?

Từ năm 2012, các nhà khoa học của Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã nghiên cứu, đánh giá dư lượng của một số kháng sinh và chất gây rối loạn nội tiết tại hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai để từ đó, đề xuất giải pháp giám sát, kiểm soát các chất gây nguy hại này. Đầu năm 2013, sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học của Đại học quốc gia TP HCM và Đại học Tsukuba - Nhật Bản đã công bố nước tại hồ Dầu Tiếng qua sông Sài Gòn, cung cấp nước sinh hoạt cho TP HCM có hàm lượng độc tố vi khuẩn lam Microcystins, có thể ảnh hưởng đến các chức năng quan trọng của tế bào con người, vượt từ hàng chục đến ngàn lần quy định về nước uống của thế giới.

Tháng 7/2013, các nhà khoa học của Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết tributyltin - tương tự chất diệt nấm có trong sơn chống hà dùng cho tàu thuyền và vật liệu đánh bắt thủy sản đã xuất hiện và tăng dần hàm lượng ở hạ lưu sông Sài Gòn. Tributyltin có thể gây tác hại cho sinh vật biển và con người như biến đổi giới tính ở động vật, biến dạng vỏ ốc, gây chảy máu mũi, viêm mũi...

Lấy nước sông Sài Gòn để phân tích và nghiên cứu. (Nguồn: Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM)
Tuy nhiên hiện tại, theo tìm hiểu của chúng tôi, do hạn chế về thiết bị, kĩ thuật phân tích cũng như chi phí nên nhiều công trình nghiên cứu về các chất gây rối loạn nội tiết và dư lượng kháng sinh trong môi trường do các nhà khoa học Việt Nam tiến hành trong thời gian qua chưa phản ảnh được sự chính xác của sự ô nhiễm, nhất là ở một số nguồn cấp nước như Trạm bơm Hóa An, Trạm bơm Bình An, Nhà máy nước Biên Hòa, Trạm bơm Hòa Phú đã cho thấy có sự hiện diện của chất gây rối loạn nội tiết.

Không những thế, các nghiên cứu của PGS -TS Nguyễn Tấn Phong và PGS -TS Đỗ Hồng Lan Chi, thuộc Đại học Bách khoa TP HCM cũng cho thấy khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn - Đồng Nai, có các chất gây rối loạn nội tiết. Và mặc dù đa số các mẫu đều có nồng độ nhỏ hơn giới hạn nhưng chẳng có gì bảo đảm rằng trong tương lai, nó không tăng lên  khi mà nước thải từ những cơ sở sản xuất nằm ngoài các khu công nghiệp đang ngày đêm tuôn vào hệ thống thoát nước rồi đổ ra sông, ra suối.

Vì thế trước mắt, các ngành chức năng cần tiến hành "đặt hàng" ngay với những  nhà khoa học để có thể đưa ra bảng tiêu chuẩn về các chất gây rối loạn nội tiết trong nước uống, nước thải và những sản phẩm khác, đặc biệt là đồ chơi trẻ em để có hướng ngăn chặn, giải quyết tích cực nghiên cứu bằng các công nghệ tiên tiến  nhằm giảm thiểu hàm lượng các chất gây rối loạn nội tiết. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp nghiêm ngặt với những cơ sở sản xuất, cố tình đổ nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống thoát nước bởi lẽ với một số tiền phạt nào đó - cho dù có lên đến hàng chục tỉ đồng, cũng không thể nào bù đắp lại những hậu quả mà con người phải gánh chịu, không chỉ riêng với thế hệ hiện tại mà còn với cả những thế hệ về sau…

ST

Read more…

MẶT ĐƯỜNG THÀNH MƯƠNG NƯỚC THẢI

2:47 PM |
Nước thải từ các hộ gia đình đọng tại ổ gà của ngã ba đường Nơ Trang Long - 30-4.


Nhiều người dân trên địa bàn phường Rạch Dừa (TP.Vũng Tàu) phản ánh: Một số quán ăn và hộ dân sống trên đường 30-4 (đoạn ngã ba Nơ Trang Long – 30-4) thường xuyên xả nước ra đường, hôi thối, làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và gây khó khăn cho các phương tiện qua lại.


Có mặt tại ngã ba đường Nơ Trang Long – 30-4 vào lúc 7 giờ 30 sáng 29-11, chúng tôi nhận thấy, nước đọng lại khá nhiều ở 2 bên đường và cả mặt đường tạo thành các mương nước thải. Mỗi lần xe từ đường 30-4 rẽ phải vào đường Nơ Trang Long đều không thể đi sát vào lề mà phải ra gần giữa đường để tránh các vũng nước, rất dễ va chạm với phương tiện đi chiều ngược lại.

Một số người dân đã phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải  quyết. “Tầm từ khoảng 6 giờ 30 đến 7 giờ 30 và 16 giờ 30 đến 17 giờ 30, mật độ giao thông ở đây rất cao. Tuy chưa có vụ tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra, nhưng việc kẹt xe hay những va chạm nhỏ thì diễn ra khá thường xuyên” - theo một vài người dân cống quanh đây.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Ngôn cho biết, UBND phường Rạch Dừa sẽ kiên quyết yêu cầu những hộ thường xuyên xả nước ra đường 30-4 phải làm lại hố ga lớn. Nếu hộ nào cố tình không chấp hành, UBND phường sẽ gửi công văn lên Công ty Cấp nước đề nghị ngừng cấp nước cho các hộ này. Đồng thời, UBND phường cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm nâng cấp, cải tạo đường 30-4, nhất là hệ thống thoát nước để hạn chế tình trạng nêu trên cũng như giúp việc đi lại của bà con được thuận lợi hơn.
MXD
Read more…

TẠO TIỆN LỢI HAY TẠO "NGUY CƠ"

2:30 PM |
Chì trong bình điện và vỏ nhựa của bình điện khi thải ra môi trường đều là những thứ gây ô nhiễm, độc hại đến sức khỏe con người.

Hiện nay trên cả nước đã có hàng triệu xe gắn máy và ô tô, xe tải cùng các thiết bị khác đều sử dụng bình ắc-quy làm phương tiện tích trữ năng lượng điện.

Không thể phủ nhận tính ưu việt của thiết bị lưu trữ điện này.

Đặc biệt là tại những nơi vùng sâu, miền núi chưa có hệ thống điện quốc gia thì không có thiết bị nào có thể thay thế chúng.

Với tình hình giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, việc sử dụng xe đạp điện thay thế xe gắn máy sẽ là chuyện tất yếu của đại bộ phận người lao động. Do giá xe đạp điện chỉ vài triệu đồng, bằng 25% giá xe gắn máy nên học sinh, sinh viên sử dụng rất nhiều. 

Các xe đạp điện, xe máy điện do Trung Quốc sản xuất có mẫu mã đẹp nhưng chất lượng thì cần phải xem lại. Do giá rẻ nên chất lượng sẽ không bảo đảm, đặc biệt là chất lượng bình chỉ sử dụng được vài tháng. 


Những thông tin, con số giật mình

Với thông tin gần 500 trẻ em bị phơi nhiễm độc chì từ gấp 4-7 lần ngưỡng cho phép tại làng tái chế bình ắc-quy cũ ở huyện Đông Mai, Hưng Yên trong chương trình thời sự vào 19g ngày 30-11 trên VTV1 khiến Bộ Y tế đã phải vào cuộc điều tra.

Số liệu thống kê khiến chúng ta phải giật mình với lượng ắc-quy tại Việt Nam thải loại ra năm 2010 là 40.000 tấn, dự kiến đến năm 2017 sẽ lên đến khoảng 70.000 tấn ắc-quy chì.

Quá trình sản xuất ra ắc-quy chì đã là một quá trình gây ô nhiễm: (sản xuất các tấm chì điện cực, sản xuất nhựa vỏ bình ắc-quy, sản xuất ra a-xít...), và việc thu hồi tái chế hay tiêu hủy lại càng gây ô nhiễm hơn.

Chính vì thế khi nói xe đạp điện, xe máy điện đôi khi chúng ta ngộ nhận là thân thiện môi trường, thuật ngữ tiêu chí mà nhà sản xuất thường đưa ra “xanh” thì chỉ nói đến vấn đề giảm xả thải khí SO2, CO2... mà họ đã cố tình không nhắc đến việc sản xuất cũng như trách nhiệm của mình trong việc tái chế, tiêu hủy chúng.

Độc hại từ chì và nhựa

Với giá xe đạp điện và xe máy điện như hiện nay, chỉ trong vài tháng nữa, cả nước sẽ có thêm hàng triệu chiếc. Hậu quả là hằng năm sẽ thải ra môi trường (chủ yếu là vứt bỏ, tái chế đạt yêu cầu rất ít) hàng ngàn tấn chì độc hại và hàng triệu vỏ nhựa ắc-quy, nguy cơ ngộ độc khi sử dụng các sản phẩm nhựa được tái chế theo công nghệ lạc hậu từ nhựa vỏ ắc-quy là rất cao.

Chưa kể, thói quen sử dụng sai của người dân như: chở quá tải, nạp điện khi điện ắc-quy vẫn còn, nạp chưa đủ thời gian... dẫn đến bình ắc-quy giảm tuổi thọ. Nếu không có cách sử dụng đúng và sử dụng quá nhiều thì trung bình tuổi thọ bình ắc-quy của xe đạp điện khoảng 1 - 2 năm.

Cách sử dụng đúng ắc-quy

Ắc-quy chia thành hai nhóm: loại dùng a-xít (ắc-quy chì, nước) và ắc-quy khô (không dùng dung dịch a-xít). Ắc-quy nước thì phải kiểm tra mức nước thường xuyên trên 2 vạch vỏ bình của nhà sản xuất. Định kỳ kiểm tra 1-2 tháng/lần tùy theo mức độ sử dụng (tùy việc xe đi ít hay nhiều).

1. Chỉ châm thêm nước cất (không phải nước a-xít) khi dung dịch trong bình bị cạn dưới vạch quy định (riêng ắc-quy khô thì không cần châm nước).

2. Để ắc-quy tuổi thọ lâu bền là không sử dụng đến khi ắc-quy cạn kiệt rồi mới mang đi sạc lại.

Tốt nhất là khi ắc-quy còn lại 15-20% là nên sạc lại. (Ví dụ: ắc-quy xe máy điện đi được 60km/lần sạc thì xe đi được quảng đường khoảng 40-45km thì nên sạc điện lại)

3. Khi sạc điện cho ắc quy phải dùng bộ sạc đi kèm theo của nhà sản xuất. (đúng điện áp V, cường độ sạc Ampe). Thông thường cường độ dòng sạc khoảng 10-12% dung lượng bình. Ví dụ: Ắc-quy có dung lượng là 100A, thì dòng sạc sẽ có cường độ là 10-12Ampe. Thời gian sạc khoảng 6-8 giờ tùy theo dung lượng của ắc quy.

4. Phải sạc ắc-quy thật no đủ điện khi để xe không sử dụng. Nếu không sử dụng trong thời gian dài phải sạc lại định kỳ (hàng tháng) với thời gian từ 6 đến 10 giờ. 

5. Không chở quá tải khi sử dụng xe.

Nếu các sản phẩm nhựa này sử dụng trong ngành thực phẩm như: muỗng, đũa, hũ... thì hậu quả vô cùng to lớn. Bài học về sự tiện lợi của túi ni lông, túi xốp ở những năm mới ra đời và mức độ gây ô nhiễm của chúng ngày nay vẫn còn nóng hổi!

Nên sử dụng xe đạp truyền thống

Nên chăng chúng ta sử dụng xe đạp truyền thống rẻ tiền thay thế xe đạp điện. Sử dụng xe đạp vừa vận động cơ thể khỏe mạnh, vừa giảm mức độ gây ô nhiễm lại tiết kiệm điện, tiết kiệm tiền.

Đi xe đạp có nhiều điều lợi, nên ở nước ngoài, người ta thu nhập hằng tháng vài ngàn USD hơn hẳn chúng ta nhiều lần mà họ vẫn đi xe đạp.

Còn nhớ hồi sinh viên, chúng tôi đi học và làm thêm rất xa đến hơn chục ki-lô-mét nhưng vẫn đạp xe mỗi ngày! Vậy mà cứ đến mỗi tối thứ bảy tôi và “con ngựa sắt” còn đèo người yêu dạo chơi khắp thành phố với bao kỷ niệm đẹp mà có cảm thấy mệt mỏi gì đâu!

Mọi việc dần rồi cũng sẽ quen.

Mặt khác, để góp phần bảo vệ môi trường sống, chúng ta nên sử dụng xe đạp truyền thống là hợp lý nhất.

TT
Read more…

Hot