RÁC THẢI ĐẦY UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ TÂN CƯƠNG - THÁI NGUYÊN

1:40 PM |
Trong hơn 1 tuần qua, một số người dân xã Tân Cương (Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã tự ý thu giữ và áp giải 4 xe ô tô chở chất thải, rác thải công nghiệp của Hợp tác xã thương mại và dịch vụ Phúc Lợi về trụ sở Ủy ban nhân dân xã Tân Cương để gây sức ép với chính quyền và các cơ quan chức năng xử lý sai phạm của HTX thương mại và dịch vụ Phúc Lợi gây ô nhiễm môi trường trong quá trình xử lý chất thải. Nhiều người dân một mặt đổ chất thải ra sân UBND xã, mặc khác kiên quyết cản trở, không đồng ý với việc đưa các xe chở chất thải ra khỏi khu vực trụ sở UBND xã...

Thái[-]Nguyên:[-]Cần[-]sớm[-]xử[-]lý[-]dứt[-]điểm[-]việc[-]người[-]dân[-]tự[-]ý[-]đưa[-]rác[-]thải[-]vào[-]trụ[-]sở[-]Ủy[-]ban[-]xã[-]Tân[-]Cương
Rác chất đống, vương vãi tại trụ sở Đảng ủy, Xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên

Theo biên bản của Đoàn kiểm tra của Tổng cục Môi trường với sự tham gia của đại diện Tổng cục Môi trường và các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên ngày 26/11, qua kiểm tra, đã xác định HTX thương mại và dịch vụ Phúc Lợi (địa chỉ tại tổ 11, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên) có một số vi phạm về bảo vệ môi trường như: khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định; không thực hiện kê khai và sử dụng chứng từ chất thải nguy hại theo quy định; thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại nằm ngoài danh mục chất thải nguy hại quy định trong Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; thải không khí có thông số môi trường không nguy hại CO vượt quy chuẩn về chất thải từ 1,5 đến dưới 2 lần... Tuy vậy, việc một số người dân của xã Tân Cương đang tạm giữ các ô tô chở chất thải công nghiệp tại UBND xã là trái quy định của pháp luật và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường xung quanh...

Trước khi Đoàn kiểm tra của Tổng cục Môi trường vào cuộc, UBND thành phố Thái Nguyên cũng có công văn đề nghị UBND tỉnh tạm đình chỉ hoạt động xử lý chất thải nguy hại của HTX Phúc Lợi và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy trình xử lý chất thải nguy hại nhằm đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường mới cho hoạt động trở lại. Ông Lê Quang Tiến, Phó chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên cho biết: Qua nhiều lần kiểm tra, chính quyền thành phố phát hiện HTX Phúc Lợi có nhiều sai phạm trong lĩnh vực đất đai và gây ô nhiễm môi trường do đốt, chôn lấp, xử lý chất thải nguy hại không đúng quy định, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực. UNBD thành phố đã kiến nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định nhưng tiến độ giải quyết xử lý còn chậm, gây bức xúc cho nhân dân. Tuy nhiên, việc một số người tự ý thu giữ phương tiện của HTX Phúc Lợi, đưa rác thải vào UBND xã Tân Cương là vi phạm pháp luật. Do vậy, chính quyền thành phố Thái Nguyên đang tập trung xử lý dứt điểm vụ việc, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương...

Qua ghi nhận thực tế, đến tối 1/12, các xe chở chất thải, rác thải của HTX Phúc Lợi vẫn bị giữ tại UBND xã Tân Cương do một số người dân kiên quyết không đồng ý, cản trở việc chuyển các xe chở chất thải ra khỏi UBND xã. Các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên cần sớm xử lý dứt điểm, có kết luận chính thức về những sai phạm của HTX Phúc Lợi trong việc gây ô nhiễm môi trường ở xã Tân Cương; đồng thời khẩn trương chuyển giao số rác thải đang tập kết ở trụ sở UBND xã Tân Cương cho Công ty cổ phần môi trường đô thị và công nghiệp 10 (URENCO 10) xử lý theo chỉ đạo của Tổng cục Môi trường.



Read more…

DOANH NGHIỆP PHỚT LỜ QUY ĐỊNH, "LÁCH LUẬT" BẰNG MỌI CÁCH

1:30 PM |
Theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xử lý nước thải của các doanh nghiệp hết sức tinh vi. Tình trạng doanh nghiệp không chịu kê khai nộp phí bảo vệ môi trường diễn ra rất phức tạp, điều này cho thấy ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp là chưa cao. 


Mục đích của việc thu phí nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường 

Phớt lờ quy định  

Hiện, cả nước có gần 300 khu công nghiệp với diện tích trên 80.000ha và gần 880 cụm công nghiệp do địa phương thành lập, quản lý. Tuy nhiên, tỷ lệ các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%, nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động đã lâu nhưng phớt lờ quy định xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Theo thống kê, tỷ lệ thu phí nước thải của cả nước còn rất thấp, như 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM chỉ thu được chừng 20 - 30% so với dự kiến. Trên địa bàn cả nước mới có 45/64 tỉnh, thành phố thực hiện việc thu phí, hiện vẫn còn 19 tỉnh, thành phố chưa thực hiện việc này. Với gần 1/3 số địa phương trên cả nước chưa thực hiện việc thu phí, đây thực sự là một tồn tại lớn cần sớm khắc phục.

Thời gian vừa qua, nhiều vụ vi phạm gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp đã được người dân và cơ quan chức năng phát hiện. Với lý do chi phí xử lý nước thải cao, các doanh nghiệp đã trốn tránh bằng cách xây dựng hệ thống ống thoát ngầm, lắp đặt máy bơm để xả thải ra môi trường. Lợi dụng thời điểm như những ngày mưa to, ngày nghỉ hay ban đêm để xả thải... Thậm chí có doanh nghiệp còn trắng trợn xả thải ngay ra môi trường xung quanh như ao hồ, đồng ruộng.  Không ít doanh nghiệp còn thản nhiên cho rằng do chưa hiểu rõ thủ tục kê khai hoặc cho rằng đã nộp phí duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp, khu chế xuất nên không phải nộp phí môi trường.  

Ràng buộc trách nhiệm

Hiện Việt Nam có nhiều chính sách pháp luật cụ thể nhằm bảo vệ nguồn nước nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng, trong đó có các chính sách thu phí, lệ phí đối với các đơn vị thải nước thải, chất thải ra môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã bộc lộ một số vướng mắc. Để hoàn thiện chính sách về thu phí, lệ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2013/NĐ-CP. 

Các chuyên gia về môi trường chỉ ra rằng, một trong những nguyên tắc của Nghị định 25 là bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng nộp phí, chú trọng tới các nguồn thải lớn để thu phí và quản lý nguồn thải, hạn chế sự chồng chéo giữa các đối tượng chịu phí. Một điểm đáng chú ý tại Nghị định này là mức phí thu ước tính cao hơn khoảng 6-10 lần mức phí cũ. Ngoài mức phí cố định nêu trên, các doanh nghiệp xả nước thải với khối lượng từ 30m3/ngày đêm trở lên thì nộp phí biến đổi đối với 2 chất gây ô nhiễm theo khung mới. Riêng các doanh nghiệp có nước thải chứa kim loại nặng thì mức phí cố định được nhân thêm với hệ số tùy vào lượng nước xả thải của đơn vị tính theo m3/ngày đêm.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Nghị định số 25 có nhiều bước thay đổi lớn, các quy định và cách tính phí đơn giản và thuận tiện. Mục đích của việc thu phí bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường, ràng buộc đối tượng xả thải nước thải gây ô nhiễm trong việc đóng góp kinh phí phục vụ cho việc cải tạo ô nhiễm môi trường đối với nước thải. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ xử lý chất lượng nước thải, đảm bảo tiêu chuẩn xả thải trước khi xả thải ra môi trường. Từ đó góp phần sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nguồn: tổng hợp
Read more…

RỬA XE ĐE DOẠ MÔI TRƯỜNG

1:20 PM |
Vốn đầu tư ít, dễ triển khai và tạo thu nhập ổn định, đó là những lý do khiến các điểm rửa xe mọc lên ngày càng nhiều trên các tuyến đường, từ nội đô đến ngoại thành. Sự phát triển và hoạt động không kiểm soát của loại hình dịch vụ này không chỉ khiến môi trường bị ảnh hưởng xấu mà còn làm cho nguồn nước sạch ngày càng cạn kiệt…


Thu nhập cao, chi phí đầu tư thấp

Đi dọc một số tuyến phố tại địa bàn Hà Nội như đường Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn, Lê Văn Lương… chúng tôi có thể đếm được hàng chục điểm rửa xe nằm ở ngay mặt phố. Hầu hết diện tích vỉa hè, lòng đường trước các điểm rửa xe này đều bị chiếm dụng làm nơi dựng xe và luôn trong tình trạng lênh láng nước thải. 

Bà Nguyễn Thị Lan ở ngõ 154 phố Đội Cấn cho biết, ở gần nhà bà có 1 điểm rửa xe nằm ngay mặt đường. Mỗi khi đi qua khu vực này bà phải đi xuống lòng đường và dù đã cẩn thận nhưng vẫn có vài lần bị trượt ngã. Do tuyến đường này có mật độ phương tiện giao thông đông, đặc biệt là vào giờ cao điểm nên sự tồn tại của điểm rửa xe này không những gây mất an toàn cho người đi đường mà còn khiến đường phố trở nên nhếch nhác. 

“Tại đây, nước rửa xe thường xuyên bắn ra đường, kéo theo đó là bùn đất, gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, việc sử dụng nước sạch một cách bừa bãi để rửa xe còn gây lãng phí tài nguyên nước, khiến nguồn nước sạch ngày càng cạn kiệt. Trong khi đó, tại nhiều khu vực, người dân vẫn chưa có nước sạch sử dụng”, bà Lan bức xúc.

Do chi phí đầu tư thấp, thu nhập ổn định nên dịch vụ rửa xe ngày càng nở rộ. Ông Lê Ngọc Thanh, chủ một cửa hàng sửa chữa xe máy kiêm rửa xe trên đường Hoàng Hoa Thám tiết lộ: “Do nhà ở mặt ngõ, mặt bằng có sẵn nên ngoài nhận sửa xe máy tôi còn đầu tư thêm dịch vụ rửa xe. Trung bình mỗi ngày tôi rửa hơn 20 chiếc xe máy, tính sơ sơ đã có thu nhập khoảng 400.000 đồng”. Hiện giá rửa 1 chiếc xe máy từ 15-20 nghìn đồng, ô-tô từ 50-60 nghìn đồng/xe. 

Cũng theo ông An, nghề rửa xe không kén người làm nên việc thuê nhân công khá đơn giản, chỉ cần lao động phổ thông có sức khỏe tốt. Được biết, lượng nước sạch để rửa một chiếc xe máy xấp xỉ 100 lít, với ô tô thì gấp khoảng 2-3 lần. Do các khoản phí phải đóng của các điểm cung cấp dịch vụ rửa xe hầu như chỉ là thuế môn bài, phí vệ sinh nên lợi nhuận thu được khá lớn. 

Phải xử lý triệt để

Việc các điểm rửa xe tự phát mọc lên ngày càng nhiều không những khiến môi trường ô nhiễm mà còn làm cho nhiều đoạn vỉa hè, tuyến đường xuống cấp nhanh chóng.

Về tình trạng trên, Điều 12 - Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã nêu rõ: Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe... trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông. 

Ngoài ra, điều 15 khoản 4 cũng quy định: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6-10 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: “Làm hư hỏng hoặc làm mất tác dụng của hệ thống thoát nước công trình đường bộ”… Mặc dù quy định đã được ban hành, việc phát hiện sai phạm cũng không mất nhiều thời gian, song vấn đề xử lý hầu như mới chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, đình chỉ hoạt động. 

Điều đáng nói, mặc dù dịch vụ rửa xe gây ô nhiễm môi trường không nhỏ song hiện vẫn chưa có cơ quan nào thống kê và đánh giá cụ thể về mức độ gây ô nhiễm của loại hình dịch vụ này. Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra đối với môi trường, ngay từ bây giờ, các đơn vị chức năng cần siết chặt hoạt động của dịch vụ rửa xe, quy định rõ điều kiện kinh doanh (về mặt bằng, vệ sinh môi trường, nước thải) đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ. Đồng thời, cần hạn chế tới mức thấp nhất việc sử dụng nước sạch bừa bãi để rửa xe như hiện nay và xử lý nghiêm cá nhân có hành vi vi phạm.
Read more…

CÔNG TY TNHH MIWON VIỆT NAM VỪA BỊ PHẠT HƠN 500 TRIỆU ĐỒNG

11:11 AM |
Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ công an) vừa ra quyết định xử phạt công ty TNHH Miwon Việt Nam đóng tại TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) số tiền 515 triệu đồng, vì hành vi xả nước thải ra môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật 10 lần trở lên. 

Ngoài số tiền bị phạt trên, Công ty TNHH Miwon Việt Nam còn chịu hình phạt bổ sung và phải đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường do hành vi xả nước thải trong thời gian 3 tháng liên tiếp. Đồng thời, trong thời gian 6 tháng, Công ty này buộc phải khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường do hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn gây ra.
Nguồn: anninhthudo.vn
Read more…

KINH HOÀNG CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT "GIẤY ĂN"

9:59 AM |
Phong Khê và Phú Lâm được coi là hai làng tái chế giấy lớn nhất ở miền Bắc, với hơn 95% hộ dân trong làng tham gia sản xuất, 200 doanh nghiệp lớn nhỏ, cung cấp ra thị trường mỗi năm ước đạt 300.000 tấn giấy. Thế nhưng “công nghệ” sản xuất ở đây hết sức độc hại.

  
Cơ sở tái chế giấy - Ảnh minh họa

Làng Phong Khê thuộc P.Phong Khê, TP.Bắc Ninh còn làng Phú Lâm thuộc xã Phú Lâm, H.Tiên Du, cũng thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Trong vai một người đi nhập giấy ăn về phân phối cho các quán ăn trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi tiếp cận cơ sở của ông Đ. ở làng Phong Khê. Theo lời ông này, cơ sở của ông thuộc loại có tiếng ở làng, bình quân mỗi ngày sản xuất cả chục tấn giấy các loại.

“Cần tới 1,3 tấn giấy thải loại thì mới có thể tái chế được thành 1 tấn giấy ăn thành phẩm. Do vậy, để có đủ nguyên liệu đầu vào và cạnh tranh được với các cơ sở khác trong làng, bạn  hàng cũng như thị trường thu gom giấy thải loại của tôi rải khắp trong Nam ngoài Bắc”, ông Đ. khoe.

Tiết lộ của người thu mua đồng nát

“Các anh đừng có tưởng giấy ở quán ăn, sau khi khách lau chùi, bám bẩn đen sì, ném dưới nền nhà là vứt đi đâu nhé. Chính loại giấy này dân Phong Khê và Phú Lâm mới kết, bởi vì bản thân chúng đã trắng sẵn rồi, quá trình tái chế đỡ tốn công, cũng như mất ít hóa chất hơn”, bà Trần Ngọc Hoa (42 tuổi, ngụ tại thị trấn Chờ, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, chủ một cơ sở chuyên thu mua đồng nát, tiết lộ.

Theo bà Hoa, thường thì những quán nhậu, cửa hàng ăn… cho không cánh đồng nát số giấy đã lau chùi. Tuy nhiên, sau khi thu gom, chúng sẽ được đem bán lại cho cơ sở của bà với giá 1.000 – 1.500 đồng/kg. Mỗi ngày có hàng chục lượt xe thồ, xe ba gác chở giấy thải đổ hành cho cơ sở bà Hoa, trước khi chúng được gom thành kiện đưa tới các lò tái chế ở Phong Khê và Phúc Lâm.

“Khi con người tiếp xúc với loại giấy ăn nhiễm độc này thì vi khuẩn, tạp chất, hóa chất độc hại theo vòng tuần hoàn đi vào cơ thể người và gây ra các triệu chứng thường gặp là đỏ mắt, chảy nước và ngứa trên da. Còn khi tiếp xúc lâu thì có thể mắc các loại bệnh về hô hấp, bệnh về da và mắt”. (PGS-TS Nguyễn Huy Thịnh)

Ông N., chủ một doanh nghiệp tái chế giấy lớn nhất nhì làng Phúc Lâm, cũng thừa nhận giấy ăn “made in Phúc Lâm” đều được tái chế từ nguồn giấy phế phẩm. Điều này khác hoàn toàn với loại giấy ăn sử dụng nguyên liệu từ các nguồn gỗ, tre, trúc.

Không chỉ lò của gia đình ông N., mà nhiều lò khác ở Phúc Lâm, quá trình tái chế giấy ăn cũng bỏ qua các bước nhằm tách tạp chất, bụi bẩn, khử hóa chất. Theo các chủ cơ sở, thực tế này bắt nguồn từ việc thiếu máy móc và để giảm chi phí trong sản xuất. Chính vì vậy, lò chứa bột giấy thải bao giờ cũng lẫn rất nhiều mực in, phẩm màu, tạp chất. Tuy nhiên, dù bột giấy có đen, hoặc phẩm màu đỏ quạch như cua gạch, tạp chất nhiều như mùn cưa… khi hòa thứ hóa chất hỗn hợp gồm xút, javen, bột giấy thải loại bỗng trắng phau. Và giấy ăn ra đời từ đây.

Quy trình sản xuất giấy cho phép việc sử dụng xút và javen.Tuy nhiên, nếu sản xuất từ nguyên liệu sạch như tre, nứa, gỗ và bột bả mía thì chỉ cần sử dụng một lượng rất nhỏ hóa chất javen và xút là ổn.Trong khi đó, ở Phong Khê và Phúc Lâm, loại hóa chất này đã bị các cơ sở tái chế giấy lạm dụng quá mức.

Chủ một lò tên Hoàng ở Phong Khê phân tích: “Bình thường 1 tấn giấy phế phẩm trắng cũng phải mất 9kg hóa chất xút và 35 lít javen. Còn giấy viết, sách, giấy photo tài liệu… phải tốn 10 kg xút và 40 lít javen. Ở đây chẳng ai là không biết xút và javen độc hại với sức khỏe con người. Nhưng đã tái chế giấy thải thì bắt buộc phải dùng, giấy càng đen, càng bẩn, lượng xút và javen càng nhiều.

Vòng tuần hoàn của hóa chất cực độc

kinh hoang giay chui mieng hinh anh 3
 Bột giấy thải được ngâm trong bể chứa hóa chất xút và Javen

Trao đổi với PV, PGS-TS Nguyễn Huy Thịnh, công tác tại Viện Công Nghệ sinh học – công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) cảnh báo: Việc lạm dụng xút và javen nhằm tẩy trắng giấy phế phẩm sẽ sinh ra hóa chất tồn dư độc hại. “Lượng hóa chất tồn dư độc hại này còn được xả thẳng ra môi trường, khiến nguồn nước ngầm bị nhiễm độc. Nguồn nước này lại tiếp tục được sử dụng trong quá trình tái chế giấy, khiến trong giấy ăn, giấy vệ sinh lẫn thêm nhiều chất độc hại. Khi con người tiếp xúc với loại giấy ăn nhiễm độc này thì vi khuẩn, tạp chất, hóa chất độc hại theo vòng tuần hoàn đi vào cơ thể người và gây ra các triệu chứng thường gặp là đỏ mắt, chảy nước và ngứa trên da. Còn khi tiếp xúc lâu thì có thể mắc các loại bệnh về hệ hô hấp, bệnh về da và mắt”, TS Thịnh nói.
Theo PGS-TS Lê Văn Cát – Trưởng phòng Hóa môi trường thuộc Viện Hóa học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN), việc sử dụng quá nhiều hóa chất và nguồn nước ô nhiễm khiến quá trình sản xuất giấy sẽ sinh ra chất hữu cơ clo trong không khí và sản phẩm. Điều này rất nguy hại vì chất hữu cơ clo chính là chất gây ung thư.

Ông Nguyễn Văn Bảy, nguyên trưởng xóm Hạ Giang (xã Phú Lâm) – người từng có hơn 9 năm mang đơn đi kiện các cơ sở, doanh nghiệp tái chế giấy do có hành vi xả thải khiến môi trường ô nhiễm trầm trọng, bức xúc kể:“Nước thải từ lò giấy thấm ra tới đâu, lúa và hoa màu héo úa tới đó. Cả chục ki lô mét của sông Ngũ Huyện Khê chảy qua địa bàn huyện Yên Phong, Tiên Du và TP.Bắc Ninh giờ đã thành sông chết, không cá tôm nào có thể sống nổi”.

Theo chân ông Bảy đến bờ sông Ngũ Huyện Khê, chúng tôi cũng đã chứng kiến những miệng cống lớn được đấu nối với lò giấy để xả thẳng dòng nước thải nồng nặc hóa chất ra sông.
Bác Hoàng Đắc San – Trạm trưởng Trạm y tế P.Phú Lâm, cho biết: “Người dân làng nghề mắc các bệnh liên quan về đường hô hấp, bệnh ngoài da không đếm nổi. Số ca tử vong vì ung thư năm sau luôn tăng hơn năm trước. Từ năm 2012 – 2014, số ca tử vong do ung thư từ 10 -12 người”.

Môi trường “luôn ở mức nghiêm trọng”

Trong báo cáo “Đánh giá hiện trạng môi trường” của SởTài nguyên – Môi trường tỉnh Bắc Ninh đã nêu: Những điểm lấy mẫu ô nhiễm đều thể hiện có các thông số COD, BODs, TTS, Fe, amoni vượt quy chuẩn V.N từ 5 lần trở lên.
Ông Lê Văn Tấn – Phó chủ tịch P.Phong Khê (TP.Bắc Ninh) cũng thừa nhận, môi trường Phong Khê trong nhiều năm qua luôn ở mức nghiêm trọng. Cơ quan chức năng đã thành lập tổ công tác liên ngành, bao gồm cả lực lượng công an tỉnh và công an TP nhằm kiểm soát hoạt động vận chuyển chất thải. Tuy nhiên, dù tổ chức công tác liên ngành này có lập chốt, kiểm soát thì trên thực tế, chúng tôi vẫn phát hiện các cơ sở ngang nhiên đốt lò, phả khói đen sì ngay giữa khu dân cư, nước thải lẫn hóa chất độc hại vẫn xả thẳng ra môi trường.

Để làm rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ làm việc với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bắc Ninh) nhưng chỉ nhận được câu trả lời từ trực ban là lãnh đạo đi vắng.

Người chùi miệng hít vi khuẩn độc

Theo PGS-TS Lê Văn Cát, trong quá trình tái chế giấy thải loại lại lạm dụng liều lượng hóa chất, sử dụng nguồn nước ô nhiễm trầm trọng nên phát sinh vi khuẩn khẩn E.coli, chất formaldehyde. Khi hít phải E.coli, formaldehyde với liều lượng lớn và trong thời gian dài sẽ gây tiêu chảy, các bệnh về nhiễm trùng máu, suy thận, hoặc các căn bệnh liên quan tới ung thư. Ngoài ra, người tiêu dùng khi bị nhiễm chất hữu cơ clo sinh ra trong quá trình tái chế giấy cũng có thể bị mắc các loại bệnh về ung thư.
Nguồn: tapchimoitruong.com
Read more…

XÀ THẦN CANH GIỮ RỪNG LIM NGÀN TUỔI

9:51 AM |
Đám lâm tặc ‘hồn xiêu, phách lạc” khi thấy con rắn to bằng thân đứa bé, dài cả chục mét, trên đầu có mào đỏ chót như gà trống đang ngóc đầu, nhe nanh nhìn trừng trừng. 
Chuyện xảy ra chính xác khi nào không ai nhớ nữa, chỉ biết rằng từ đó mấy chục năm qua, không một người dân nào trong vùng dám bén mảng đến khu rừng này đốn chặt cây.

Huyền thoại ly kỳ

Lần theo sự chỉ dẫn của một số cán bộ huyện Tây Trà, chúng tôi tìm đến rừng Nà Trút, thuộc tổ 4, thôn Xanh, xã Trà Trung vào một ngày gần giữa tháng 11.

Nhìn khu rừng rộng hàng trăm ha nằm cách tuyến đường Di Lăng (huyện Sơn Hà)-Trà Trung (huyện Tây Trà), tỉnh Quảng Ngãi, chỉ hơn cây số với dày đặc các loại gỗ quý, như: Lim, chò, sến, táu... nằm san sát nhau đến ngút tầm mắt. Trong số đó có cây gốc to đến 6 người ôm không xuể, giống như “mỡ treo miệng mèo” nhưng vẫn còn gần như nguyên vẹn suốt hàng trăm năm qua, khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Theo lời của già làng nơi đây, thì rừng Nà Trút được như vậy là nhờ có xà thần canh giữ. Chuyện kể rằng ngày xưa cả một khu vực Nà Trút là vùng đất khá bằng phẳng, đất đai màu mỡ. Vì vậy, nơi đây rất đông đúc và sầm uất chứ không thưa thớt như bây giờ.

Cuộc sống của người dân làng này đang êm ấm, với lúa thóc tràn bồ, lợn gà đầy chuồng, thì bất ngờ một hôm bỗng dưng xuất hiện một con xà thần hung dữ. Không chỉ gia súc, gia cầm mà xà thần còn bắt cả người để ăn thịt, làm ngôi làng tiêu điều hoang vắng, sợ hãi bao trùm.

Không đành lòng rời bỏ nơi bao đời gắn bó như nhiều người khác, 8 gia đình đã lần lập đàn cúng Giàng (cúng trời - người viết) để cầu xin trừ hậu họa. Nghe động lòng, Giàng đã cưỡi mây xuống và dùng phép vun một phần đất của Nà Trút thành một vách núi cao; đồng thời biến nơi đây thành một khu rừng rậm. Trước khi đi, Giàng gọi số gia đình này lại và căn dặn: Phải giữ khu rừng nguyên vẹn để xà thần có chỗ ở, mới không quấy phá.
Cây gỗ lim ở rừng Nà Trút 

Theo lời Giàng dặn, ngày ngày người dân trong làng cắt người đi tuần tra để trông giữ khu rừng này cẩn mật. Nhiều người còn kể: Một lần thấy rừng Nà Trút gỗ quý dày đặc, một nhóm người làng bên nảy lòng tham nên rủ nhau vào đốn chặt.

Khi những nhát rìu đầu tiên vung lên và cắm phập vào gốc cây chò hàng trăm năm tuổi, thì bất ngờ nghe có tiếng thở phì phò sát bên. Theo đó nhóm người dừng tay và quay lại và tất cả ‘hồn xiêu, phách lạc” khi nhìn thấy một con rắn to bằng thân đứa bé, dài cả chục mét, còn trên đầu có mào đỏ chót như gà trống đang ngóc đầu, nhe nanh nhìn trừng trừng. Thế là tất cả quăng, vứt rìu rựa cắm đầu bỏ chạy thục mạng.

Kể từ đó đến nay, không một người dân nào trong vùng dám bén mảng đến khu rừng này đốn chặt cây nữa. Một số khác khẳng định: Xà thần thì chưa biết có thật hay không, thế nhưng đã không ít lần vào rừng đã gặp rắn hổ to bằng bắp chân người.

Không bò trườn dưới đất như thường thấy, con rắn đi như lướt trên ngọn bụi cây. Cứ mỗi lần nó di chuyển đến nơi nào, thì cuốn theo gió làm cây cối nơi đó oằn xuống và ngã rạp, tạo nên âm thanh ào ào như gió lốc. Chưa hết, có người còn bắt gặp mảnh da rắn lột to bằng 2 bàn tay gộp lại.

Những “thần rừng” thời hiện đại

Truyền thuyết về “xà thần” hay rắn hổ lướt như bay trên ngọn cây... có thật không thì chưa rõ, thế nhưng một sự thật mà không ai có thể phủ nhận, đó là suốt từ hàng trăm năm qua khu rừng này luôn được canh giữ bởi những thế hệ của người dân sinh sống ở Nà Trút này.

Trong ngôi nhà đơn sơ nằm ngay lối mòn nhỏ dẫn vào khu rừng, già Hồ Văn Ba (74 tuổi), người được ví là “mắt thần” canh cửa cho “mỏ vàng xanh” này, chậm rãi: Việc giữ rừng Nà Trút thì thời tao tóc còn để chỏm đã có rồi. Và nó trở thành chuyện đương nhiên như thể “con người muốn sống phải ăn” của người dân ở làng này vậy.

Hồi còn giặc Mỹ, có lần thấy máy bay vòng quanh, sợ nó phun lửa, bỏ chất độc để phá khu rừng này nên tao đã lấy súng bắn đuổi. Già Ba (70 tuổi), nhớ lại.

Gần cả cuộc đời gắn bố với rừng Nà Trút, đến nay tuy tuổi đã cao nên cái chân của già Ba không còn đủ sức để ngày nào cũng vào rừng kiểm tra nữa. Thế nhưng dù ngày, hay đêm thì sự xâm nhập và những tiếng động khác lạ nào phát ra từ khu rừng này, gần như cũng không lọt qua được ánh mắt, đôi tai của già Ba.

Bọn chúng (lâm tặc) chỉ muốn chặt cây lớn mới bán được nhiều tiền. Nhưng cây lớn cứng lắm phải dùng cưa máy, tiếng kêu rất to; xung quanh rừng Trút dốc cao và chỉ có một con đường ra duy nhất là đi qua làng nên biết liền, già Ba giảng giải.
Một góc ngôi làng của người dân ở tổ 4 ở cạnh bìa rừng 

Và nhiệt huyết giữ rừng của già Ba ngày nào giờ truyền sang cho con cháu không chỉ trong làng này, mà cả những vùng lân cận. Nhà cách đây gần 4 cây số, thế nhưng mỗi khi rảnh rỗi thì anh Hồ Văn Hùng (25 tuổi), ở thôn Vàng, cùng xã lại đi xe đến cùng với mọi người ở tổ 4 đi tuần tra rừng.

Nói về lý do “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của mình, anh Hùng giải thích: Già Ba đã dạy phải giữ rừng để con thú có chỗ ở không phải bỏ đi nơi khác; con chim có cây để đậu, làm tổ. Và mùa khô, con suối sẽ không bị cạn để người trong làng lấy nước về dùng.

Dù đang giữ cả một “kho” gỗ quý, lên đến hàng ngàn cây thế nhưng 100% ngôi nhà của người dân ở thôn 4 đều làm bằng các loại gỗ tạp. Nếu tao đốn làm nhà được, thì người khác cũng sẽ làm theo. Vậy thì rừng sẽ mất đi nhiều cây - già Ba bày tỏ.

Bao năm nay, cuộc sống của 8 hộ, khoảng 40 khẩu của tổ 4, khó khăn và thiếu thốn trăm bề thế nhưng cũng chưa bao giờ có người dân nào đốn hạ cây trong khu rừng này để bán. Theo lời của nhiều chủ gỗ khét tiếng ở Quảng Ngãi, thì với mỗi cây gỗ lim có đường kính như nói trên, thì hiện thị trường cũng có giá cả tỷ đồng.

Trao đổi với báo Dòng Đời, ông Nguyễn Phúc Ánh, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Trà, chủ rừng Nà Trút, cho biết: Rừng Nà Trút có diện tích ước khoảng 150ha, nằm trong Tiểu khu rừng phòng hộ 104, thuộc xã Trà Trung. Đây là một trong những khu rừng nguyên sinh khá hiếm hoi nằm gần khu vực dân cư nhưng được giữ gìn gần như nguyên vẹn.

Ngoài các loại cây gỗ quý như táu, sến... thì nhiều nhất là lim xanh, lim xẹt... với tuổi đời nhiều cây lên đến 300-500 năm tuổi. Và trong số gần 700ha rừng phòng hộ của Tiểu khu 104, mà đơn vị đã hợp đồng giao cho người dân thôn Xanh của xã này quản lý, thì khu vực tổ 4 được đánh giá là ổn định nhất. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, số trường hợp xâm nhập trái phép để đốn chặt gỗ tại Nà Trút tính chưa hết “bàn tay xòe”, ông Ánh khẳng định.

Với công gắn bó, trông giữ từ nhiều thế hệ đối với khu rừng này, nếu có nhu cầu sử dụng một vài cây cho gia đình, thì cơ quan chức năng có thể hoàn toàn linh động giải quyết. Thế nhưng chưa bao giờ những hộ gia đình tổ 4 kiến nghị về việc này - ông Ánh bày tỏ.

Chỉ vì cái lợi trước mắt mà thời gian qua không biết bao nhiêu cánh rừng ở Quảng Ngãi và nhiều tỉnh thành khác trong nước đã bị triệt hạ để lấy gỗ bán, lấy đất sản xuất; thì người dân ở tổ 4 không quản ngày đêm để bảo vệ và trông giữ khu rừng Nà Trút gần như nguyên vẹn. Với việc làm đó, không có gì là quá khi ví von rằng họ như những “thần rừng” ở thời hiện đại.
Theo nguồn: moitruong.com.vn
Read more…

Ô NHIỄM SÔNG PHÚ LỘC PHẢI XỬ LÝ DỨT ĐIỂM

9:25 AM |
Ngày 2-12, đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan đã có chuyến đi thị sát và làm việc với Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, thuộc Cty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng.

Đồng chí Trần Thọ kiểm tra thực tế hệ thống xử lý nước thải. Ảnh: Phương Kiếm

Đồng chí Trần Thọ cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường sông Phú Lộc đã tồn tại 9-10 năm nay và đã trở thành “điểm đen” của TP Đà Nẵng, sau Âu thuyền Thọ Quang.

Ông Mai Mã, Giám đốc Cty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, hiện nay, hệ thống thoát nước Trạm XLNT Phú Lộc quản lý trên 324,5km. Năm 2014, Trạm XLNT Phú Lộc tiếp nhận vận hành thêm các tuyến thu gom nước thải như: Tuyến Yên Khê 1&2, tuyến KDC Trung Nghĩa và tuyến dọc kênh Hòa Minh; nâng tổng lượng nước thải thu gom và xử lý lên khoảng 10,9 triệu m3 nước thải (theo công suất bình quân 30.500m3/ngày đêm), nhưng thực tế công suất xử lý hiện tại đã lên đến 35.000m3/ngày đêm. Toàn bộ nước thải sinh hoạt khu vực của thành phố theo các trạm bơm tự động bơm về trạm xử lý, trước khi phân phối vào 2 bể sinh học yếm khí, nước thải sẽ đi qua bể lắng cát và vào ngăn phối để phân phối đầu vào 2 bể yếm khí. Ông Mã cho rằng, công nghệ xử lý của trạm hiện rất đơn giản, chủ yếu xử lý bậc 1 bằng công nghệ yếm khí sau bơm và xử lý trong bể yếm khí. Nước sau khi xử lý được kết nối với tuyến ống D630 và đưa ra nguồn tiếp nhận ở biển tại cửa sông Phú Lộc, cách mép tường chắn sóng khoảng 50m. Vấn đề ô nhiễm mùi hôi vẫn diễn ra khi thủy triều xuống và kéo dài khoảng 3 tháng/năm.

Đồng chí Trần Thọ nghe thuyết trình việc xả nước thải ra sông Phú Lộc
gây ô nhiễm môi trường.

Dành nhiều thời gian nghe lãnh đạo các ngành liên quan trình bày các phương án xử lý ô nhiễm môi trường sông Phú Lộc, đưa ra những ý kiến chỉ đạo giải quyết vấn đề một cách rốt ráo nhất, đồng chí Trần Thọ nhấn mạnh: Ô nhiễm môi trường sông Phú Lộc dứt khoát phải được giải quyết, bởi đây là 1/10 công trình trọng điểm của năm 2015 đã được Thành ủy đưa vào Nghị quyết. Do vậy, cần phải đầu tư nhân lực, vật lực, tập trung chỉ đạo làm một cách quyết liệt để đảm bảo không còn mùi hôi gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân cũng như môi trường du lịch. Đặc biệt, đồng chí lưu ý, công trình không thể làm chắp vá theo kiểu giải pháp tình thế, để “hôi vẫn hoàn hôi” là không được. Trên cơ sở đề xuất của lãnh đạo các sở ngành liên quan, về cơ bản, đồng chí Trần Thọ đồng ý lựa chọn phương án 2 để nghiên cứu đầu tư trên cơ sở sử dụng diện tích 1,5 ha đất vùng đệm bên cạnh Trạm XLNT Phú Lộc để đầu tư, cải tạo xây dựng trạm XLNT có công nghệ tiên tiến, hiện đại, đạt hiệu quả lâu dài với tổng vốn đầu tư vào khoảng 200 tỷ đồng là hết sức cần thiết và cấp bách.

Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Trần Thọ chỉ đạo: “Cần lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp nhưng tốt nhất là mạnh dạn dùng ngân sách của địa phương trên cơ sở cắt, giảm những chi tiêu chưa cần thiết để dồn nguồn lực cho công trình xử lý ô nhiễm môi trường sông Phú Lộc. Sắp đến, HĐND TP họp xong, ra Nghị quyết là xốc vào làm ngay. Trước mắt có thể ứng vốn để công trình có thể hoàn thành sau một năm”.

CAND
Read more…

Hot