CẤP NƯỚC SẠCH XÃ NINH HIỆP - CHI HƠN 47,2 TỶ

10:49 AM |
UBND TP Hà Nội vừa vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tiếp nhận, đầu tư khôi phục công trình cấp nước sạch xã Ninh Hiệp (Gia Lâm).

Trạm cấp nước sạch Ninh Hiệp bỏ hoang nhiều năm nay sẽ được sửa chữa, bảo dưỡng và bổ sung vật tư lắp đặt thiết bị công nghệ, hệ thống xử lý nước thải… bảo đảm hoạt động theo công suất thiết kế khoảng 3.300m3/ngày đêm.
Theo quyết định, các hạng mục đầu tư dự án trên gồm cải tạo, nâng cấp toàn bộ các hạng mục công trình, sửa chữa, bảo dưỡng và bổ sung vật tư lắp đặt thiết bị công nghệ, hệ thống xử lý nước thải, thay thế đường ống cấp nước thô, mạng lưới ống phân phối, đồng thời đấu nối với các hộ dùng nước, bảo đảm hoạt động theo công suất thiết kế khoảng 3.300m3/ngày đêm.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 47,2 tỷ đồng, trong đó, vốn thuộc sở hữu của nhà đầu tư gần 9,6 tỷ đồng, vốn vay các tổ chức tín dụng gần 37,8 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 18 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư, cụ thể, thời gian triển khai từ tháng 1/2015 - 6/2015.
Cty CP Sản xuất và Thương mại Ngọc Hải (chủ đầu tư) được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 2/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn và Quyết định số 32/2014/QĐ-UBND ngày 4/8/2014 của UBND thành phố ban hành quy định chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, Cty tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn tự kê khai, tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu, số liệu trong hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt.
Đồng thời, phải tuyệt đối tuân thủ đúng quy định của pháp luật và chính sách hiện hành của nhà nước và thành phố. Xây dựng phương án tổ chức sản xuất kinh doanh cung cấp nước sạch phục vụ cộng đồng dân cư khu vực đúng nội dung dự án được duyệt, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho nhân dân xã Ninh Hiệp.

TT
Read more…

SÓC TRĂNG ĐỐI MẶT VỚI Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG

10:32 AM |
Nhiều năm qua, không chỉ người lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua khu công nghiệp An Nghiệp thuộc địa phận xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Sóc Trăng phải "chịu trận" bởi mùi hôi thối, mà hàng trăm hộ dân sinh sống gần đó cũng phải chịu thảm cảnh ô nhiễm quá trầm trọng từ nhà máy xử lý nước thải của Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Sóc Trăng. 
Nước thải của các doanh nghiệp dệt, nhuộm sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu không được xử lý tốt.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong vùng mà còn cho thấy sự vô trách nhiệm và xem thường pháp luật của công ty này khi hàng ngày thản nhiên xả thải thẳng ra môi trường mà chưa qua xử lý. 

Theo chị La Thị Tú, một người dân sống gần khu vực ô nhiễm cho biết, tình trạng ô nhiễm này đã kéo dài rất lâu, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt không chỉ gia đình chị mà còn với cả những hộ dân sống xung quanh. Cả ngày gia đình chị phải đóng kín cửa để hạn chế mùi ô nhiễm; việc buôn bán của gia đình cũng đi xuống từ mấy năm qua. 

Theo giải thích của ông Trần Trường Giang - Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Sóc Trăng thì từ cuối năm 2012, Ban Quản lý các khu công nghiệp và Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp đã làm việc với nhiều đơn vị chuyên ngành môi trường để bảo trì nhà máy nhưng không đơn vị nào đảm nhận. 

Đến tháng 6/2014, công ty có ký hợp đồng bảo dưỡng hàng năm nhà máy xử lý nước thải với một công ty tại Cần Thơ nhưng sau 2 tháng thực hiện bảo trì tại nhà máy xử lý nước thải, công ty kia cũng từ chối thực hiện hợp đồng với lý do nhà máy hoạt động quá tải, ô nhiễm cao. Hiện tại, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã gửi yêu cầu bảo trì cho 2 đơn vị khác. Ông Giang cho biết, đơn vị có làm việc với các doanh nghiệp có làm lưới chắn rác, cũng như xử lý sơ bộ trước khi đấu nối với hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, nhưng việc này chưa được các đơn vị thực hiện nghiêm túc. 

Nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom nước thải tập trung Khu công nghiệp An Nghiệp đi vào hoạt động từ cuối năm 2009. Đến nay, đã có 11 doanh nghiệp đấu nối nước thải vào hệ thống đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp không phải xử lý sơ bộ, chỉ qua lưới chắn rác và xả thẳng vào hệ thống thu gom đưa về nhà máy, nhà máy xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Hiện nay, nhà máy xử lý đạt ở công suất 70% tương đương 2.800m 3 /ngày đêm nhưng nhà máy đang tiếp nhận nước thải của các doanh nghiệp trung bình từ 3.300 - 3.800 m 3 /ngày đêm. 

Như vậy, so với công suất xử lý của nhà máy vượt từ 500-1.000m 3 /ngày đêm và số lượng nước thải không xử lý hết nhà máy xả qua các ao chứa nước thải trong khu công nghiệp, khả năng xử lý bằng thực vật thủy sinh như bồn bồn, lục bình ở các ao chứa nước thải không mang lại hiệu quả như mong đợi, gây ra tình trạng ô nhiễm, gây mùi hôi, ảnh hưởng đến người dân sinh sống xung quanh khu vực Khu công nghiệp An Nghiệp. 

Việc nhà máy xử lý nước thải quá tải là không chính xác, nguyên nhân quá tải chưa rõ ràng khi Nhà máy xử lý nước thải có công suất thiết kế 4.000m3/ngày đêm nhưng hiện nay chỉ xử lý đạt ở công suất 70%, tương đương 2.800m3 /ngày đêm. Điều này vừa đặt ra nghi vấn về công suất thực trong việc xử lý nước thải của nhà máy so với thiết kế ban đầu; năng lực thực sự của đơn vị này trong việc vận hành và xử lý nước thải. Vấn đề đặt ra hiện nay, tại sao công ty này khó tìm được đơn vị bảo trì nhà máy trong suốt một thời gian quá dài và khi đã hết khả năng, công ty này được quyền xả thải thẳng ra môi trường?

Theo đánh giá của Sở Tài Nguyên và Môi trường Sóc Trăng, công tác duy tu bảo dưỡng trong thời gian vừa qua đã không được thực hiện đúng theo quy định. Hệ thống xử lý nước thải hoạt động từ cuối năm 2009 đến nay đã trải qua nhiều năm nhưng vấn đề duy tu bảo dưỡng, nạo vét hồ chưa làm đúng theo quy định, dẫn đến hệ thống xử lý nước thải không đạt theo công suất mong muốn. 

Qua kết quả quan trắc và dựa trên thiết kế công suất 4.000m3/ngày đêm thì về mặt lý thuyết nhà máy chưa quá tải. Hệ thống vận hành chưa đạt theo công suất thiết kế là do quy trình vận hành chưa đúng mức, chưa đúng quy trình; chưa làm tốt công tác bảo trì, nếu việc bảo trì không tốt thì lượng bùn lắng xuống hồ sẽ làm giảm thể tích của bể xử lý, kéo theo tình trạng giảm công suất xử lý. 

Hơn nữa, khả năng xử lý của hệ thống nhà máy chưa được đầu tư mở rộng mà đưa doanh nghiệp đấu nối xả thải vào nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng xử lý, công suất của nhà máy. Nếu tháng 3/2014 có 10 doanh nghiệp đấu nối vào nhà máy xử lý nước thải thì đến nay đã có 11 doanh nghiệp đấu nối vào. Thay vì trong thời gian kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý nước thải giai đoạn II thì Ban Quản lý các khu công nghiệp cần làm việc với các doanh nghiệp để có kế hoạch giảm thải như: xử lý sơ bộ trước khi thải hoặc áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn để giảm nước thải trong quá trình sản xuất. 

Cũng theo Sở Tài Nguyên và Môi trường Sóc Trăng thì một nguyên nhân khác mà hệ thống xử lý không hiệu quả do khâu kiểm tra của Ban Quản lý Khu công nghiệp không đúng quy định. Cụ thể, doanh nghiệp phải qua xử lý sơ bộ trước khi thải trực tiếp vào nhà máy, nếu không xử lý sơ bộ sẽ làm tăng thêm áp lực cho nhà máy, làm nhà máy vận hành khó khăn, như vậy trách nhiệm công ty trong việc kiểm tra chưa cao. Vấn đề hiện nay cần làm rõ quy trình xử lý, bảo trì và vận hành, rà soát lại công suất của nhà máy. 

Trước những bức xúc của người dân về việc ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng tại Khu công nghiệp An Nghiệp, mới đây, đoàn khảo sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã khảo sát và làm việc với lãnh đạo Ban quản lý các Khu công nghiệp và Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Sóc Trăng về tình hình vận hành, xử lý nước thải tại nơi này. Tuy nhiên, trước khi những quyết định và chế tài được đưa ra thì hàng ngày, người dân xung quanh khu vực này vẫn phải chung sống với sự ô nhiễm trầm trọng này.


TT
Read more…

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SÔNG NHUỆ ĐÁY

9:50 AM |
Ngày 28/11, Hội nghị lần thứ 6, Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã diễn ra tại Hà Nam với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành cùng 5 tỉnh, TP nằm trên lưu vực sông. Hội nghị nhằm đánh giá, đưa ra những giải pháp thiết thực BVMT lưu vực 2 con sông này. Nước thải ảnh hưởng đến… Hà Nam
Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của các tỉnh, TP, các vấn đề môi trường trên lưu vực sông đã từng bước được giải quyết. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các vấn đề môi trường bức xúc trong nội tỉnh và liên vùng, liên tỉnh. Theo ông Vũ Hữu Song - Giám đốc Sở TN&MT Hà Nam, vấn đề ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, đặc biệt là giữa TP Hà Nội và Hà Nam trong việc xử lý nước thải đảm bảo theo quy định trước khi thải ra môi trường và việc xử lý chất thải do hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nội tỉnh gây ra. 

Một đoạn sông Nhuệ chảy qua quận Hà Đông.      Ảnh: Quỳnh Anh
Một đoạn sông Nhuệ chảy qua quận Hà Đông. Ảnh: Quỳnh Anh
"Cụ thể, trong những năm qua, quy định về thời gian đóng, mở đập Thanh Liệt trên địa bàn Hà Nội chưa hợp lý. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong thời gian mùa mưa nhưng nước thải từ Hà Nội đổ về chưa được pha loãng do trải qua nhiều ngày nắng hạn kéo dài, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản của người dân tỉnh Hà Nam. Vì vậy, tỉnh Hà Nam đề nghị Hà Nội không mở đập Thanh Liệt khi nắng hạn kéo dài từ 3 ngày trở lên để ngăn không cho nước thải ô nhiễm chảy về Hà Nam khi không có nước mưa pha loãng" - ông Vũ Hữu Song kiến nghị. Những khó khăn trong việc triển khai thực hiện đề án BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy với TP Hà Nội, đó là việc giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề. 
"Việc xử lý môi trường làng nghề có liên quan mật thiết đến đời sống, thu nhập, việc làm của người lao động trong các làng nghề, các cơ chế, chính sách hỗ trợ về lao động, di dời cơ sở gây ô nhiễm trong làng nghề. Bên cạnh đó, mặc dù tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy, tuy nhiên, ý thức chấp hành Luật BVMT của các công ty, DN, người dân chưa nghiêm túc, đặc biệt ở những hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ" - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Phạm Văn Khánh chia sẻ.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ
Đánh giá về việc thực hiện Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy, ông Mai Tiến Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam kiêm Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy cho biết, trong thời gian qua, UBND 5 tỉnh, TP trên lưu vực sông đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ về BVMT. Trong đó, tập trung vào các vấn đề phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước, tăng cường quản lý nước thải, rác thải đô thị, giải quyết các vấn đề bức xúc liên vùng, liên tỉnh, từng bước thể chế hóa các quy định BVMT trong từng lĩnh vực.
Theo báo cáo của Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy, các vấn đề ô nhiễm môi trường ở mỗi địa phương rất đa dạng và phức tạp. Hầu hết các tỉnh trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy chưa có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, ngoại trừ TP Hà Nội. Để giải quyết dứt điểm cần có lộ trình, nguồn lực thực hiện. Tuy nhiên, thời gian qua, các địa phương đã tích cực triển khai công tác thống kê, điều tra nguồn thải lỏng xả thải trực tiếp ra lưu vực sông. 

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho tổ chức, DN và cộng đồng nói chung và tăng cường mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và đạt được hiệu quả tích cực, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác BVMT. Việc phối hợp tổng thể giải quyết các vấn đề môi trường đồng bộ đã được triển khai và có nhiều chuyển biến. 
Các đại biểu cho rằng, năng lực của các cơ quan quản lý về môi trường tại 5 tỉnh, TP trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy tuy đã được tăng cường rất nhiều trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về quản lý. Vì vậy, cần tăng cường kết nối thông tin giữa các bộ, ngành và địa phương, tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên vùng một cách thống nhất và đồng bộ.Cũng tại Hội nghị, theo quy định luân phiên Chủ tịch Ủy ban, ông Mai Tiến Dũng đã bàn giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy nhiệm kỳ 2015 - 2016 cho Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang.



KTDT
Read more…

CẦN XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ Ô NHIỄM Ở "LÁ PHỔI" CỦA THỦ ĐÔ

9:22 AM |
Hồ Tây - vùng thơ ca, vùng văn hóa với nhiều quần thể danh thắng vào loại bậc nhất Thăng Long – Hà Nội. Cũng ở nơi đây, các di tích, các thắng cảnh đã tạo nên một “con đường di sản” của đất kinh kì với khung cảnh trữ tình, thơ mộng mà mỗi du khách từng tới đây đều cảm thấy nhớ, thấy yêu. 
Hồ Tây lung linh trong đêm, với nhiều cao ốc soi bóng xuống mặt hồ. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Song, khoảng không gian xanh với diện tích mặt hồ lớn nhất Thủ đô đang chịu những tác động nặng nề từ quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế một cách nhanh chóng những năm qua. Mức độ ô nhiễm của Hồ Tây ngày một gia tăng, chất lượng nước của hồ ngày càng suy giảm. Hồ Tây đang đứng trước nguy cơ không còn là không gian xanh trong lòng thành phố. 

"Lá phổi" của Thủ đô 

Hồ Tây được coi là "lá phổi" của thành phố Hà Nội. Hệ sinh thái Hồ Tây có sự đa dạng, đặc thù về động thực vật được coi là điển hình nhất của hệ sinh thái nước ngọt đồng bằng Bắc Bộ. Khí hậu Hà Nội có lượng bức xạ mặt trời dồi dào, tạo điều kiện phát triển cho thực vật thủy sinh và thực vật trên bờ của hồ. 

Hồ Tây còn chứa một lượng nước rất lớn, góp phần chống ngập úng cho khu vực phía tây bắc nội thành Hà Nội. Vào mùa khô (các tháng mùa đông) thì hồ lại là nơi chứa nước và xử lý một phần nước thải của thành phố bằng cơ chế tự động làm sạch. 

Thế nhưng, hiện nay Hồ Tây đang phải “gồng mình” tiếp nhận nước mưa và nước thải sinh hoạt từ các khu vực xung quanh hồ đổ vào. Việc này tác động lớn đến chức năng tự nhiên như một hồ điều hòa rất giá trị cho môi trường và người dân thành phố. 

Theo kết quả điều tra của phó giáo sư – tiến sỹ Lưu Thị Lan Hương, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và nhóm nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước và làm suy giảm đa dạng thành phần loài thực vật ở Hồ Tây. 

Điển hình là sự phá vỡ và mất nơi cư trú, sự ô nhiễm, biến đổi khí hậu toàn cầu và các hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, sự gia tăng dân số, sự mở rộng nơi cư trú của con người, khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ thống kinh tế thiếu sự định giá thích hợp cho môi trường. Hà Nội hiện mới chỉ bảo vệ Hồ Tây theo hướng bảo vệ cảnh quan, khai thác hồ chống úng, phát triển du lịch, nuôi cá, chứ chưa áp dụng biện pháp bảo vệ theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. 

Những nguy cơ hiện hữu 

Theo Ban Quản lý Hồ Tây và số liệu điều tra của nhóm nghiên cứu trên, có hơn 200 tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động kinh doanh xung quanh Hồ Tây (kể cả trên bờ ven hồ và mặt nước). Các loại hình kinh doanh chủ yếu là ăn uống, giải khát, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở dịch vụ giải trí, tham quan, mua sắm, công viên nước, đua thuyền. Còn có một số doanh nghiệp có tàu du lịch, xuồng, thuyền hoạt động trên hồ. 

Hồ Trúc Bạch và Hồ Tây được ngăn cách bởi đường Thanh Niên, mang vẻ đẹp riêng "hồ trong phố" đặc trưng của Thủ đô, được ôm trọn trong không gian kiến trúc của thành phố. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Tuy nhiên rất ít các cơ sở kinh doanh có giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước cũng như các hợp đồng phục vụ vệ sinh môi trường, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Thêm vào đó, tình trạng xây dựng cơ sở hạ tầng của vùng xung quanh hồ không đồng đều và đang có xu hướng biến đổi mạnh mẽ theo các năm. Các hộ sống xung quanh thường xuyên xả nước thải trực tiếp ra hồ. 

Cũng điều tra theo hướng này, nhóm nghiên cứu của giáo sư – tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: Diễn biến các thông số ô nhiễm môi trường nước Hồ Tây thực tế trong 25 năm qua cho thấy, biện pháp xây cống vòng quanh hồ để ngăn chặn và thu gom không cho các nguồn nước thải đổ thẳng vào hồ là biện pháp kỹ thuật có hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hồ. 

Tuy vậy, đối với Hồ Tây hiện còn tồn tại nhiều nguồn thải nước ô nhiễm từ các cửa hàng ăn uống, các khách sạn và các công trình dịch vụ nằm ở khu vực sát bờ hồ. Ở trong khu bán đảo Tây Hồ và ở ngay trên mặt nước hồ, vì chưa được xử lý triệt để nên môi trường nước gần bờ Hồ Tây còn bị ô nhiễm nặng, hàm lượng các chất ô nhiễm nước gần bờ gấp khoảng 2 lần so với nước ở giữa hồ. 

Biện pháp sinh học và vật lý 

Các nhà khoa học cho rằng, đối với Hồ Tây cũng như các hồ khác của nội thành Hà Nội, cần phải chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống cống xung quanh hồ để thu gom và ngăn ngừa 100% nước thải, không cho chảy vào hồ. Có như vậy nước các hồ mới nhanh chóng phục hồi thành môi trường nước trong sạch như những năm 60 của thế kỷ trước. Bên cạnh đó, còn cần đến những biện pháp sinh học để bảo tồn đa dạng các loài sinh vật của Hồ Tây. 

Thực tế cho thấy, biện pháp xây kè bờ hồ, bờ sông nội thành Hà Nội trong thời gian qua bằng đá hộc dốc thoải 45 độ đã gây ra nhiều bất lợi về môi trường nước mặt Hà Nội so với phương án xây kè bờ theo phương thẳng đứng. 

Cụ thể, phương pháp này đã làm giảm đáng kể thể tích chứa nước mưa của hồ, sông; làm giảm khoảng 20 - 30% tiết diện dòng chảy thoát nước mưa của sông; làm giảm khả năng thẩm thấu nước của sông hồ và làm giảm điều kiện môi sinh của các thủy sinh vật, các loài sinh vật đáy và các loài vi khuẩn có khả năng tiêu hủy các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước. Trước thực trạng đó, giáo sư – tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng cho rằng, Hà Nội nên dần dỡ bỏ tất cả các kè bờ bằng đá hộc dốc thoải 45 độ này và thay bằng tường chắn thẳng đứng. 

Đề cập đến các biện pháp sinh học để bảo tồn đa dạng sinh học Hồ Tây, phó giáo sư - tiến sỹ Lưu Thị Lan Hương đề nghị sử dụng thực vật thủy sinh cỡ lớn đi liền với kiểm soát chặt chẽ sức sinh sản mạnh của chúng để xử lý ô nhiễm cho hồ, vừa có tác dụng cải tạo chất lượng nước, vừa tạo cảnh quan đẹp. Kết quả thử nghiệm của tiến sỹ Hương cho thấy, bèo tây kết hợp với thủy trúc có khả năng hút kim loại nặng và các hợp chất hữu cơ rất tốt, đồng thời có thể làm lắng đọng các chất lơ lửng tạo nên độ trong của hồ. 

Không gian sinh thái tự nhiên của Hồ Tây sẽ không còn quý hiếm trong lòng đô thị Hà Nội ngàn năm văn hiến nếu tình trạng ô nhiễm tiếp tục. Trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn không gian xanh Hồ Tây không chỉ là công việc của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương mà còn đòi hỏi ý thức, tinh thần tự giác của người dân, nhất là cộng đồng dân cư ven hồ để có thể gìn giữ một cách tốt nhất “báu vật cảnh quan” đặc biệt này.



Báo tin tức
Read more…

NHỮNG HÌNH ẢNH " BIẾT NÓI " VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở VIỆT NAM

1:57 PM |
Trong cuộc thi nhiếp ảnh giải thưởng tài năng 2014 về chủ đề “biến đổi khí hậu qua ảnh”, người xem không khỏi suy ngẫm về những bức ảnh “biết nói” khi ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ về môi trường sống đang bị tàn phá nghiêm trọng.
Cuộc thi do Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức thu hút rất nhiều nhiếp ảnh gia từ khắp đất nước Việt Nam tham dự. Khoảng 50 bức ảnh đã được ban giám khảo cuộc thi gồm một nhiếp ảnh gia Đan Mạch và hai nhiếp ảnh gia Việt Nam lựa chọn để triển lãm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông John Nielsen khẳng định: “Trái đất nóng lên và những thay đổi về môi trường đang đe dọa cuộc sống của nhiều người Việt Nam. Qua cuộc thi, tôi thấy rất nhiều bức ảnh đẹp và mạnh mẽ, qua đó cho thấy những tác động khác nhau của biến đổi khí hậu đến cuộc sống hàng ngày của người dân. Tôi hy vọng rằng cuộc thi này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về biến đổi khí hậu và về những hành động mà mỗi chúng ta có thể làm để ứng phó với hậu quả của biến đổi khí hậu”.

Xin trích giới thiệu một số hình ảnh nổi bật:
Bức ảnh “Sự tàn phá của con người” của tác giả Mai Thành Chương đã đoạt giải thưởng lớn với trị giá 2.500 USD
Giải Smartphone dành cho tác phẩm đẹp nhất được chụp từ điện thoại thông minh, trị giá 6 triệu đồng tiền mặt đã được trao cho Đào Đức Thanh với tác phẩm “Panorama phố sau mưa”
Giải khán giả bình chọn dành cho bức ảnh có đông số người bình chọn nhất, trị giá 6 triệu đồng tiền mặt đã được trao cho chùm ảnh “Phía sau thành phố” của tác giả Phạm Doãn Tuấn
Phía sau thành phố 2

Phía sau thành phố 3
Phía sau thành phố 4
Theo nguồn: moitruong.com.vn
Read more…

QUYẾT ĐỊNH MỚI CỦA ĐÀ NẴNG VỀ XẢ THẢI RA CÁC LƯU VỰC SÔNG, SUỐI...

1:34 PM |
Mới đây Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa kí quyết định số 40/2014/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng... tài nguyên nước trên địa bàn TP
Trong đó quy định rõ các vấn đề vệ sinh, khai thác, xử lý nước mặt, hồ chứa lưu vực sông Hàn.
UBND TP Đà Nẵng nghiêm cấm xả nước thải chưa xử lý đạt tiêu chuẩn quy định vào nguồn nước sông Hàn
Trong khu vực bảo vệ nguồn nước mặt, nghiêm cấm xây dựng bất cứ công trình nào trên bờ, trên mặt nước, dưới mặt nước (trừ các công trình phục vụ cho việc bơm nguồn nước mặt) làm ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước; nghiêm cấm xả nước thải vào nguồn nước sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, ao khi chưa xử lý đạt tiêu chuẩn quy định.
Khu vực hạn chế khai thác nước tại Đà Nẵng bao gồm khu vực có các tầng chứa nước mặn, nhạt xen kẽ diện tích 40 km2; khu vực cách biển, bờ sông Hàn 250m vào đất liền và khu vực quận Liên Chiểu để tránh nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và hiện tượng xâm nhập mặn của nước ngầm; khu vực đã có hệ thống cung cấp nước máy ổn định, đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhu cầu sử dụng nước cho các tổ chức, cá nhân.
Khu vực cấm khai thác nước là những vùng nước dưới đất đã bị nhiễm mặn bao gồm diện tích 20km2 khu vực phía Bắc khu công nghiệp Hoà Khánh; phường Thanh Lộc Đán (quận Thanh Khê).
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị thực hiện khoan các giếng thăm dò, đánh giá trữ lượng, khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP phải có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất và phải thực hiện đầy đủ các quy định theo quy định tại Thông tư 40/2014/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ TN-MT.
Đối với khu vực quận Liên Chiểu: Đến ngày 1/1/2015 dừng cấp mới giấy phép khai thác nước dưới đất; đồng thời giảm lưu lượng và số lượng công trình khai thác nước hiện có. Đối với các khu vực khác, các hoạt động tài nguyên nước được thực hiện bình thường quy định của pháp luật hiện hành.

MXD

Read more…

RẮN LỤC ĐUÔI ĐỎ ĐANG " TẤN CÔNG " GÂY RỐI CUỘC SỐNG DÂN CƯ

12:18 PM |
Rắn lục đuôi đỏ kể cả khi chết vẫn có thể gây tổn thương cho người. Rắn lục đuôi đỏ tấn công khu dân cư, làm gì để khống chế?
Loài rắn lục đuôi đỏ đang "gây rối" cuộc sống của nhiều người dân ở các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi...
Hốt hoảng rắn cắn người từ miền Tây đến miền Trung
Năm rồi, Bệnh viện Quân y 121 (Quân khu 9) cho biết đã tiếp nhận trên 150 ca bị rắn cắn (chủ yếu là rắn lục đuôi đỏ).  
Năm nay, tháng 3-2014, nhiều người dân ở một số khu vực của TP Cần Thơ và Vĩnh Long lo lắng khi rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều hơn trước.
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 10-2014, tại Tiền Giang đã có 886 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Mới đây, tháng 10-2014, người dân xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An) vô cùng lo lắng khi rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều hơn trước. 
Chị Nguyễn Thị Thành (43 tuổi, ngụ xóm 3, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An) bị thương ở ngón tay do rắn lục đuôi đỏ cắn - Ảnh: Cảnh Phúc
Trung tuần tháng 11-2014, trên địa bàn quận Sơn Trà và Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, người dân rất lo lắng khi thường xuyên thấy rắn lục đuôi đỏ ở khu vực dân cư, thậm chí chui vào nhà.
Không chỉ Đà Nẵng, rắn lục đuôi đỏ còn xuất hiện ở các tỉnh miền Trung, cắn nhiều người phải nhập viện.
Nhiều khu dân cư ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam xuất hiện rắn lục đuôi đỏ cắn người và hàng chục người phải nhập viện. 
Rắn lục đuôi đỏ không chủ động tấn công người
PGS.TS Lê Nguyên Nhật (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết đặc điểm nhận dạng rắn lục: đầu nhỏ, không đối xứng, giữa mắt và mũi có hố má, cổ nhỏ, đầu hình tam giác và cơ thể ngắn.
Loài rắn này thường sống trên cây và hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Thức ăn chủ yếu là thú, chim nhỏ, ếch, nhái.
“Loài rắn lục đuôi đỏ này không chủ động tấn công người”, PGS.TS Lê Nguyên Nhật và TS Nguyễn Quảng Trường (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật) đều có chung nhận định.
Không chủ động tấn công nhưng nếu đụng trúng, chạm trúng thì loài rắn này sẽ cắn và tiết nọc độc vào trong cơ thể người. Độc ở mức độ nào tùy thuộc vào lượng nọc đi vào cơ thể người, các nhà khoa học cho biết.
Có không việc có người cố tình thả rắn?
Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều có thể do năm nhuận nên mùa sinh sản kéo dài.
TS Lê Nguyên Nhật cho biết thêm là mùa sinh sản của loài rắn này vào khoảng tháng 4, tháng 5 đến tháng 9, tháng 10. Đặc biệt, loài rắn này đẻ con chứ không đẻ trứng như một số loài rắn khác.

Rắn lục đuôi đỏ đẻ con chứ không đẻ trứng. Một con rắn cái đẻ 10 con thì 100 con rắn cái đã có thể làm số lượng rắn lục đuôi đỏ tăng lên 1.000 con 
TS Nguyễn Quảng Trường cho biết mỗi lần rắn lục đuôi đỏ có thể đẻ từ 4 - 14 con/lứa. Và theo phỏng đoán của TS Trường, do năm nay là năm nhuận, mùa nóng kéo dài làm mùa sinh sản của loài rắn này cũng được kéo dài theo. Và vì thế, đó có thể là nguyên nhân làm rắn đuôi đỏ xuất hiện nhiều như hiện nay.
PGS.TS Lê Quang Nhật cho rằng chính vì rắn lục đuôi đỏ đẻ con nên số lượng cá thể có thể tăng ở một mức nào đó vào thời điểm mùa sinh sản này.
Một con rắn cái đẻ 10 con thì 100 con rắn cái đã có thể làm số lượng rắn lục đuôi đỏ tăng lên 1.000 con. TS Lê Quang Nhật cũng nhấn mạnh rằng rắn con vừa đẻ ra đã có khả năng gây độc.
Thấy rắn: giết hay không giết?
Với những loài rắn độc, kể cả khi đã chết nó vẫn có thể gây tổn thương cho con người. Rắn có phản xạ hồi tỉnh khi chết. 
“Rắn có thể cắn và phóng nọc độc thông qua phản xạ đến 90 phút sau khi nó đã chết”, TS Nguyễn Quảng Trường cảnh báo.
TS Nguyễn Quảng Trường cho biết vì đặc tính của loài rắn này sống ở những bụi cây ven rừng hoặc nương rẫy nên người dân cần phát quang những bụi cây, dây leo quanh nhà để tránh tạo sinh cảnh cho rắn lục đuôi đỏ đến sống gần con người.
Khi di chuyển vào ban đêm thì người dân nên soi đèn và có sử dụng những đồ bảo hộ như ủng, găng tay… TS Nguyễn Quảng Trường còn lưu ý là khi bắt rắn nên dùng gậy hoặc kẹp để tránh nguy hiểm cho bản thân.
Hiện tượng hấp dẫn như kiểu Pheromone thì chưa có ai chứng minh được, cũng chưa có tài liệu nào nhắc đến
PGS.TS Lê Quang Nhật cho biết thêm nếu thấy rắn trong nhà thì phải đuổi đi ngay hoặc đập chết vì nếu ban đêm không nhìn thấy sẽ dễ giẫm phải, chạm phải gây nguy hiểm cho chính mình.
Nhiều người dân băn khoăn về việc giết rắn và vứt đi thì những con rắn khác sẽ tìm đến, TS Nguyễn Quảng Trường cho biết chưa có tài liệu nào chứng minh điều này. Tuy nhiên, rắn cái và rắn đực thường đi với nhau vào mùa sinh sản.
“Hiện tượng hấp dẫn như kiểu Pheromone hiện chưa có ai chứng minh được, cũng chưa có tài liệu nào nhắc đến” - TS Nguyễn Quảng Trường nói thêm.
Riêng PGS.TS Lê Quang Nhật cho biết đối với một số loài, trong đó có rắn, vào mùa sinh sản con cái thường tiết ra chất kích thích và bò đến đâu sẽ để lại vết đến đấy. Và rắn đực khi phát hiện mùi này sẽ tìm đến rắn cái để giao phối.
Khi người dân giết rắn cái vào mùa sinh sản và kéo lê nó hoặc mang nó về nhà để làm thịt thì đôi khi rắn đực sẽ theo mùi chất kích thích mà tìm đến.
Xử trí kịp thời khi bị rắn cắn
PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) cho biết nọc độc của rắn sẽ tác động lên tim, thận, hệ thần kinh của con người. Do đó, khi bị rắn cắn thì nọc rắn sẽ qua vết thương xâm nhập vào máu. Vì thế, việc sơ cứu kịp thời là ngăn không cho nọc độc theo dòng máu đến tim. 
Cách làm cụ thể là dùng một sợi dây hoặc dây thun buộc garô (băng garô là dùng miếng băng dài hay miếng vải cột vết thương) phía trên vết cắn. Lưu ý là không được buộc chặt và khoảng 30 phút thì tháo ra để mạch máu lưu thông và sau đó buộc lại. Người dân cũng nên nhanh chóng đưa người bị rắn cắn đến cơ sở y tế.
PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong cũng cho rằng người dân không nên rạch vết thương và nặn máu hoặc dùng miệng hút máu độc ra. Việc làm đó không những không ngăn cản được nọc độc mà còn làm vết thương nhiễm trùng.
Địa phương đã vào cuộc
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giao Sở Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên trang, chuyên mục để hướng dẫn cách phòng tránh, sơ cứu, cấp cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức phát động toàn dân ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm để tiêu diệt, xua đuổi và hạn chế rắn ẩn nấp gây nguy hiểm đến tính mạng người dân.
Theo nguồn: tuoitre.vn
Read more…

Hot