Hai trẻ tử vong do tiêu chảy cấp.
Theo thông tin từ chính quyền địa phương và trung tâm y tế xã, bệnh tiêu chảy bắt đầu khởi phát tại xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) từ ngày 8/7. Ghi nhận rõ nét là 9 trường hợp có triệu chứng tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết có 3 bé nhập viện, trong đó 2 ca đã tử vong. Bé trai tên N.T (10 tháng tuổi) sau khi bị sốt, tiêu chảy khoảng 10 lần/ngày, sau hai ngày như thế mới nhập viện bệnh viện Nhi Đồng 1. Một ngày sau đó bé đã tử vong - chẩn đoán do sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa. Trường hợp thứ 2 tử vong vào ngày 27/7 là bé A.T 29 tháng tuổi sau khi bị tiêu chảy và nôn ói khoảng năm ngày. Một trường hợp nguy kịch khác cũng được điều trị tại Khoa tiêu hóa - BV Nhi Đồng 1, may mắn sau đó bé đã khỏi bệnh và được về nhà.
Các trường hợp nhập viện điều trị được chẩn đoán là tiêu chảy mất nước nặng, tiêu chảy nhiễm trùng, dương tính với vi khuẩn kháng sinh E. Coli ESBL.
Có 3 trường hợp điều trị tại Khoa Tiêu Hóa - BV Nhi Đồng 1. Hai đã tử vong, một đã xuất viện.
Việc nhiều ca bệnh xuất hiện tại địa bàn ấp 1 xã Lê Minh Xuân được Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đánh giá đây là ổ dịch tiêu chảy cấp, khu trú, xảy ra do điều kiện vệ sinh môi trường kém. Khu vực xảy ra ổ dịch có gần 30 hộ với trên 100 khẩu. Trong phạm vi thống kê rộng hơn, công tác điều tra dịch tễ từ Viện Pasteur TP.HCM cho thấy xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh là nơi mà dịch tiêu chảy xảy ra liên tiếp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, nơi đây có 75 trường hợp tiêu chảy cấp trong tổng số gần 300 ca ở huyện Bình Chánh.
Môi trường kém vệ sinh gây hại
Điều kiện tự nhiên chung của khu vực xảy ra ổ dịch là nhiều ao tù, bụi rậm. Người dân chủ yếu là dân nhập cư, nhà đều được xây cất tạm bợ, khá xập xệ. Do đa số có tham gia chăn nuôi nên chất thải của gia súc, gia cầm đã xả trực tiếp xuống ao hồ khiến nước bốc mùi hôi thối, rác thải sinh hoạt không được thu gom xử lý đúng cách. Điều này làm cho môi trường đất, nước, không khí đều tiềm ẩn mầm bệnh.
Thêm nữa, hai điều kiện tối thiểu là nước máy sinh và nhà vệ sinh có hầm xử lí đã không hề có trong nhiều nhà dân tại khu vực xảy ra dịch bệnh.
Một người dân cho biết: “Nhiều năm nay khu này không có điện nước ổn định. Nhiều hộ phải xài nước dạng câu - nối của hộ khác, nước gần 30 ngàn đồng/khối. Nên nhiều khi phải tiết kiệm, xài cả nước ao, nước giếng”. Tại khu vực xảy ra ổ dịch, nhiều nhà vệ sinh chỉ được xây với dạng cầu cá, lộ thiên.
Chị Anh Đào (ấp 1, Lê Minh Xuân) có con 11 tháng tuổi vừa được về nhà sau mấy tuần nằm viện do bị tiêu chảy cho biết thêm: “Đứa con lớn của tôi cũng hay bệnh liên miên, nhất là về tiêu hóa. Biết là do môi trường, nhưng cũng không biết xoay sở thế nào cho tốt hơn. Nhà thì khó khăn quá, mà tình trạng môi trường như vầy là tình trạng chung của cả xóm”.
Nhắc đến dịch tiêu chảy, một bà mẹ trẻ cũng tỏ ra lo lắng: “Nghe nói có dịch tiêu chảy, rồi thấy cán bộ y tế đến tìm hiểu nên chúng tôi cũng đang rất hoang mang. Thằng nhỏ nhà tôi cũng hay ốm vặt vì ẩm thấp và nước sạch không có. Mong là nó không bị lây nhiễm từ các nhà có con đang bệnh”.
Mầm bệnh phát tán nhanh nhất là trong môi trường nước.
Thêm tình trạng chăn nuôi thả rông...
...ao tù, nước đọng dễ dẫn đến bùng phát bệnh dịch.
Cần nhập viện sớm khi có dấu hiệu bệnh
Hiện khu vực xảy ra dịch tiêu chảy đã được Trung tâm y tế dự phòng tiếp cận và xử lí. Ngày 23/7, nhân viên Trạm y tế xã Lê Minh Xuân đã phun thuốc diệt khuẩn Cloramin B tại khu vực ổ dịch. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm người bệnh và người thân của các hộ trong khu vực này, đồng thời thu thập mẫu nước sinh hoạt tại nguồn, tại nhà bệnh nhân và mẫu nước ao để xác định rõ nguồn bệnh. Đồng thời, Trung tâm cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương có biện pháp cải tạo môi trường sống tại khu vực này. Chiều 4/8, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đến thăm hỏi và nắm tình hình ổ dịch tiêu chảy tại xã Lê Minh Xuân.
Theo bác sỹ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1, nguy cơ lớn nhất khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước, rối loạn điện giải và rối loạn cân bằng kiềm. Do tình trạng bệnh xảy ra khá nhanh nên khả năng gây tử vong là rất cao. Ngoài ra, nếu không chú ý, trẻ có nguy cơ thiếu dinh dưỡng về sau.
Cách phòng ngừa tốt nhất là cho trẻ ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sẽ, tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, uống vitamin A, tiêm vắcxin đầy đủ cho trẻ.
Khi trẻ có dấu hiệu mất nước như khát nước nhiều, quấy khóc, khóc không có nước mắt, mắt trũng sâu; trường hợp nặng hơn là trẻ nằm ngủ li bì, khó đánh thức, mắt khô… cần đưa trẻ nhập viện càng sớm càng tốt và trong lúc di chuyển thì phải cho trẻ uống nước thường xuyên. Lưu ý trong trường hợp trẻ mất tri giác thì cần đưa trẻ đến trạm y tế gần nhất để sơ cấp cứu