NGẮM THẮNG CẢNH SIỆU ĐẸP TỪ TRÊN CAO

9:35 PM |
Với ý tưởng độc đáo, một nhóm nhiếp ảnh gia đã đem đến cho người xem những hình ảnh thắng cảnh mới mẻ, khác lạ và đẹp đến "nín thở" được chụp từ trên cao trong khuôn hình rộng, điều mà trước đây chúng ta chỉ có thể tận mắt chiêm ngưỡng khi đi trên máy bay.


Sự hùng vĩ của Thác Thiên thần tại Venezuela- thác nước cao nhất thế giới với độ cao từ đỉnh thác xuống chân thác là 979 m.



Thơ mộng với cầu vồng bắc ngang qua thác Victoria ở Zambia.



Thác Iguasu tuyệt đẹp tại Argentina.



Bức ảnh hoàn hảo về đỉnh núi Everest, nóc nhà thế giới. 


Núi lửa Plosky Tolbachik tại Kamchatka, Nga "nổi giận" phun trào nhan thạch.


Rạn san hô ở Australia nổi bật với màu ngọc lam.


Vịnh Hạ Long của Việt Nam, nơi được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.


Các tảng băng rải tác tại Iceland.
Theo nguồn: moitruong.com.vn
Read more…

MƯA SẮT TẤN CÔNG TRÁI ĐẤT

1:23 PM |
Sắt đã xâm nhập vào lớp manti dày 3.200km ở lõi Trái đất cách đây hơn 4 tỉ năm như thế nào là một câu hỏi hóc búa đối với giới khoa học. Hầu hết các chuyên gia cho rằng, đó là do các va chạm với thiên thạch. Tuy nhiên, một giả thuyết mới lại đưa ra đáp án khác: mưa sắt.
Hình mô phỏng sắt từ thiên thạch đã biến thành dạng hơi khi va chạm với Trái đất. Ảnh: NASA

Bằng cách tái phân tích điểm bốc hơi của sắt, một nghiên cứu đã xác định rằng, các điều kiện trên Trái đất thuở sơ khai có thể đã khiến sắt rơi như mưa xuống bề mặt hành tinh chúng ta.

Nghiên cứu được tiến hành với máy Z ở phòng thí nghiệm quốc gia Sandia tại Albuquerque, bang New Mexico, Mỹ. Máy Z hiện là thiết bị sản sinh xung năng lượng điện mạnh nhất trên thế giới.

Thông qua nghiên cứu áp suất sóng xung cần thiết để làm bay hơi sắt, các chuyên gia phát hiện giá trị nhỏ hơn 40% so với suy nghĩ trước đây.

Các nhà vật lý thiên văn nói, áp suất thấp hơn này - 507 gigapascal (GPa) so với con số phỏng đoán 887 GPa - dễ dàng đạt được trong các giai đoạn sau của quá trình hình thành Trái đất.

"Vì các nhà khoa học hành tinh luôn cho rằng rất khó làm bay hơn sắt, nên họ chưa bao giờ nghĩ đến việc bay hơi như một quá trình quan trọng trong sự hình thành Trái đất và lõi của nó. Dẫu vậy, qua các thí nghiệm, chúng tôi đã cho thấy rất dễ để tác động làm bay hơi sắt", tiến sĩ Rick Kraus, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh.

Mọi việc có thể xảy ra như sau: một thỏi sắt, sau khi va chạm với Trái đất vì là thành phần của thiên thạch, phân rã thành hơi sắt do lực va chạm. Hành tinh của chúng ta được cho là đã liên tục bị các thiên thạch tấn công trong giai đoạn cách đây từ 4,1 - 3,8 tỉ năm.

Các đám mây hơi sắt tiếp đó hình thành phía trên bề mặt Trái đất, rốt cuộc sẽ trút xuống như mưa và trộn lẫn vào lớp manti (lớp giữa vỏ và lõi Trái đất), vốn nóng chảy vào thời điểm đó.

Trong những giả thuyết trước đây, các tác giả từng đề xuất rằng, sắt có nguồn gốc từ các cuộc va chạm giữa Trái đất và các thiên thạch có đường kính từ vài mét đến hàng trăm kilômét. Quá trình này có thể xảy ra vào các giai đoạn hình thành cuối cùng của Trái đất, cách đây hơn 4 tỉ năm, với sắt được bắn như đạn vào lớp manti.

Tuy nhiên, nếu các giả thuyết trên là đúng, khi đó Mặt trăng cũng phải có lượng sắt tương tự ở lớp manti của nó, do thiên thể này cũng trải qua quá trình bị thiên thạch "oanh kích" tương tự. Dẫu vậy, điều đó không xảy ra trong thực tế. Đây là lí do khiến các nhà khoa học Mỹ đi đến các kết luận mới của họ.

Nhóm nghiên cứu mới cũng giải thích thêm rằng, lực hấp dẫn của Mặt trăng đã quá yếu, không thể hút giữ được nhiều hơi sắt trút xuống như mưa giống Trái đất. Và điều này là lí do khiến lớp manti của Mặt trăng ít có sắt nằm rải rác hơn so với lớp manti của hành tinh chúng ta.
Theo nguồn: moitruong.com.vn
Read more…

HIỆU ỨNG NHÀ KÍNH SẼ LÀM CÁC LOÀI CHIM TRÊN TRÁI ĐẤT TUYỆT CHỦNG

10:09 PM |
Tình trạng nóng lên của khí hậu Trái Đất, nếu không được kiểm soát, có thể đẩy 72% số loài chim trên hành tinh tới bờ vực của sự tuyệt chủng, Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF) cảnh báo.
Chim di cư rất nhạy cảm với những thay đổi khí hậu. Ngay tại thời điểm hiện nay, tình trạng nóng lên của Trái Đất đang gây nên những tác động xấu đối với cuộc sống của nhiều loài, kể cả chim cánh cụt và chim hút mật. Đây là kết luận của WWF trong hội thảo bàn về thay đổi khí hậu tại Kenya vào ngày 13/11.

“Sự biến mất của nhiều loài chim cho thấy hiệu ứng nhà kính đã gây ra một chuỗi tác động đối với các hệ sinh thái trên phạm vi toàn cầu. Tình trạng thay đổi khí hậu cũng tác động tới hành vi của chim di cư. Bằng chứng là một số loài chim di cư đã không còn bản năng thay đổi nơi sinh sống nữa”, báo cáo viết.

Trong tương lai, WWF khẳng định, nếu hiệu ứng nhà kính vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ như hiện nay thì khoảng 72% số loài chim sẽ bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, nguy cơ tuyệt chủng của chim có thể được ngăn chặn nếu con người thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, chẳng hạn như cắt giảm lượng khí thải công nghiệp.

Số lượng nhiều loài chim di cư đang giảm đi ở châu Âu và Mỹ khi nguồn thức ăn cho chúng biến mất bởi tình trạng nóng lên của khí hậu. Tại nhiều nơi, chẳng hạn như phía bắc vịnh Hudson của Canada, muỗi đang sinh sôi nảy nở rất nhanh và đã đạt tới mức kỷ lục về số lượng vào mùa xuân năm nay. Thế nhưng nhiều loài chim biển ở những nơi này không hề thay đổi hành vi để thích nghi với điều kiện mới. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Hà Lan, nơi 90% số lượng cá thể ở một số loài chim đã biến mất trong 2 thập kỷ qua.

Nếu nhiệt độ khí hậu tiếp tục tăng, những vùng đất ẩm ướt ở bờ biển Địa Trung Hải – nơi sinh sống của đa số loài chim di cư trên hành tinh – sẽ trở nên khô hạn vào năm 2080. Ngoài ra, sự tăng lên của nhiệt độ cũng sẽ hủy diệt nhiều điểm đến khác của chim di cư, khiến chúng có ít lựa chọn hơn.

“Những loài chim sống ở đảo và núi sẽ chẳng có chỗ nào để tránh rét. Chẳng hạn, loài đại bàng sống trong các khu bảo tồn ở Tây Ban Nha sẽ không còn nơi sinh sống trong vài năm nữa”, báo cáo viết.
Read more…

CHẶN NHẬP LẬU GIA SÚC ĐỂ NGĂN DỊCH BỆNH

8:52 AM |
Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương đã xuất hiện một số ổ dịch lở mồm long móng gia súc tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Nguyên nhân phát sinh các ổ dịch chủ yếu là do nhập lậu lợn nái loại thải qua biên giới đã bị mắc bệnh lở mồm long móng hoặc vận chuyển gia súc từ vùng có ổ dịch lở mồm long móng cũ ở trong nước.

                    
Tiêu hủy lợn bị mắc bệnh lở mồm long móng ở Hà Giang. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã ban hành Công điện khẩn số 2144/CĐ-BNN-TY về việc phòng chống dịch lở mồm long móng và ngăn chặn việc nhập lậu gia súc qua biên giới.

Nội dung Công điện nêu rõ, các địa phương khu vực biên giới tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương (biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường, thanh tra giao thông) phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y trên địa bàn triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp đấu tranh, ngăn ngừa triệt để các hoạt động nhập lậu động vật, sản phẩm động vật.

Cùng với đó, các đơn vị cơ sở cần tổ chức tuyên truyền, vận động cư dân biên giới không mua động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, đặc biệt là không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.

Mặt khác, các địa phương cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật theo quy định đồng thời có biện pháp xử lý tiêu hủy động vật và sản phẩm động vật nhập lậu trái phép qua biên giới theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nêu rõ, việc tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng cho đàn gia súc tại một số địa phương chưa được đảm bảo do tập quán nuôi thả rông gia súc của người dân; việc người dân tự mua bán, giết mổ gia súc để tiêu thụ hoặc làm quà tặng trong dịp Tết Ất Mùi và các lễ hội đầu năm là khá phổ biến, tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát tán. Ngoài ra, thời tiết lạnh kết hợp với mưa phùn, độ ẩm cao cũng là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và lây lan.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch lở mồm long móng tại một địa phương trong nước và một số nước, nhiều tồn tại nêu trên chưa được khắc phục triệt để, do vậy nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xâm nhập, phát tán và lây lan là rất cao…” Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát kết quả tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng trên địa bàn, đặc biệt là địa bàn đang có ổ dịch lở mồm long móng, nơi có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao; khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng đợt 1/2015 và tiêm phòng bổ sung, không để dịch lở mồm long móng phát sinh hoặc lây lan./.
Read more…

BỆNH VIỆN TRÁNH XỬ LÝ NƯỚC THẢI VÌ TỐN KÉM

6:01 PM |

Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội nhiều bệnh viện tuy đã có hệ thống xử lý nước thải, song vẫn lơ là trong việc vận hành xử lý vì cho rằng chi phí đầu tư vận hành tốn kém nên đã xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm ở các khu vực xung quanh.






Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 1/19 bệnh viện tuyến Trung ương và 4/41 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội chưa có hệ thống xử lý nước thải.




Tuy nhiên, theo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an Hà Nội, ngay cả những bệnh viện đã có hệ thống xử lý nước thải thì hầu hết nước thải sau khi qua xử lý lại không đạt tiêu chuẩn cho phép. Tại sao các bệnh viện lại chưa đầu tư đúng mức tới việc xử lý nước thải trong thời gian qua?
Read more…

CẦN BAN HÀNH TIÊU CHUẨN KHÔNG KHÍ TRONG TÒA NHÀ CAO ỐC

4:03 PM |

Tiêu chuẩn không khí trong tòa cao ốc chưa ban hành thì khó có thể nói đã coi trọng bảo vệ sức khỏe người dân.
Nữ nhân viên BigC Garden bị ngất được đưa đi cấp cứu

Không khí là sức khỏe

Suýt chết ngạt do ô nhiễm không khí ở Siêu thị BigC Garden đầu tuần này mới làm lộ ra các lỗ hổng quản lý về thiết kế xây dựng, cấp phép hoạt động và tiêu chuẩn chất lượng không khí trong các tòa nhà còn đắp chiếu dự thảo, chưa ban hành. 

Chỉ số sức khỏe liên quan trực tiếp đến chất lượng không khí. Một người trung bình hít vào mỗi ngày chừng 20.000lần. Như thế khoảng 10.000lít không khí vào phổi của ta mỗi ngày. Nếu biết được lượng không khí này ảnh hưởng đến sức khỏe của mình như thế nào, cũng như khi nào là lúc tốt nhất để hoạt động hít thở sâu, làm tăng thêm lượng không khí thì chắc là sức khỏe ta tốt hơn nhiều.

Chỉ báo sức khoẻ - chất lượng không khí là một công cụ mới để đo lường, lượng định chất lượng không khí về tác động tới sức khoẻ. Có thang bậc từ 1 đến 10. Chỉ số 1 báo không khí ít tác động xấu tới sức khỏe và chỉ số 10 hay cao hơn, lên đến 10+, có nghĩa là cơ nguy rất cao. 

Một số nước qua tivi, đài phát thanh, báo chí, có thể đưa chỉ số trên ở mục thời tiết. Thông tin được cập nhật hàng giờ và cả dự báo cho ngày kế tiếp. Chỉ báo đó không chỉ giúp mỗi người bảo vệ sức khỏe mà cũng nhắc nhở chúng ta về nhu cầu bảo vệ môi trường, cảnh giác với môi trường ô nhiễm. Gián tiếp nhắc nhở mọi người giảm sử dụng năng lượng là có thể giảm được số ngày có chỉ số ô nhiễm không khí cao. 

Theo ông Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường, hiện nay ở nước ta chỉ có tiêu chuẩn về chống tiếng ồn, còn chất lượng không khí chỉ có quy định trong các môi trường sản xuất, xưởng sản xuất. Trong khi đó ô nhiễm không khí tại các tòa nhà hiện đang ở mức báo động. 

Trách nhiệm vòng quanh

Hãy tưởng tượng không khí ô nhiễm tệ hại sẽ ảnh hưởng thế nào lên cuộc đời của trẻ bị bệnh suyễn, người cao tuổi, người có bệnh tim hoặc bệnh hô hấp? Sẽ không chỉ có những sự cố ngạt khí nghiêm trọng cấp cứu hàng loạt người ngất xỉu như ở Siêu thị BigC Garden, mà các bệnh giết người nguy hiểm liên quan đến ô nhiểm không khí là bệnh tim, đột quỵ, bệnh phổi và ung thư phổi, khi nồng độ các chất ô nhiễm vượt quá ngưỡng cho phép tác động lâu dài lên sức khỏe. 

Muốn kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm không khí, hạn chế các sự cố tương tự vụ nhiều người bị ngất xỉu ở Siêu thị BigC Garden vừa qua, phải triển hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, giám sát hoạt động, báo cáo nguồn thải. 

Từ sự cố nhiều người bị ngất xỉu nhưng nếu không có tiêu chuẩn chất lượng không khí, việc truy cứu trách nhiệm sẽ khó khăn. Khéo lại loanh quanh như chuyện dân gian VN, "Trời sợ mây. Mây sợ gió. Gió sợ bờ tường. Bờ tường sợ chuột cống. Chuột cống sợ mèo già. Mèo già sợ mẹ đĩ nhà hề. Mẹ đĩ nhà hề sợ hề. Hề sợ quan. Quan sợ vua. Vua sợ trời…”, cứ thế cứ thế.

Trong khi chúng ta chưa có được những chỉ báo sức khỏe – chất lượng không khí như nói trên cung cấp cho mọi người dân, ở mọi vùng miền, nhất là những thành phố ô nhiễm do khói bụi công nghiệp và khí thải thường xuyên, cơ quan Bộ Y tế cần sớm ban hành tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà ở Việt Nam. Việc xây dựng, vận hành của hệ thống thông gió các toà nhà phải được các cơ quan chức năng cùng địa phương giám sát chặt chẽ, thường xuyên. Bản thân người sử dụng cũng cần hạn chế gây ra các nguồn ô nhiễm, như đun nấu tùy tiện, thay đổi tầng hầm thành siêu thị…

Không thể để việc ngộ độc khí đã kết luận lý do mà đến nay vẫn chưa cơ quan nào chịu trách nhiệm để xảy ra vụ việc này. Cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống thông gió trong các tòa cao ốc, cụ thể sẽ công bố kết quả kiểm tra độ an toàn không khí trong tòa nhà The Garden, các điều kiện an toàn tại siêu thị Big C Garden cần sớm làm rõ, thay vì trách nhiệm đùn đẩy vòng quanh.

Theo nguồn: moitruong.com.vn
Read more…

QUÁ TẢI, BÃI RÁC KHỔNG LỒ GÂY Ô NHIỄM

8:00 AM |
Nằm lộ thiên và tồn tại hàng chục  năm nay, bãi rác Phú Hưng giờ đã quá tải đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những hộ dân sống xung quanh. Dịch bệnh luôn đe dọa đến sức khỏe của người dân hàng ngày.

                     
                                     Bãi rác Phú Hưng, điểm nóng ô nhiễm môi trường

Bãi rác này tồn tại gần 20 năm qua, có diện tích 52.000m2. Đây là nơi tập kết rác thải, chất thải của TP. Bến Tre, một số huyện và 2 khu công nghiệp Giao Long - An Hiệp, tỉnh Bến Tre. Đến nay, bãi rác Phú Hưng đã dự trữ hàng chục nghìn tấn rác thải, chất thải. Những đống rác thải chất lên thành những gò cao vút. Do nằm ngay khu dân cư và chưa xây dựng hệ thống xử lý đạt chuẩn, nên bãi rác gây ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Theo người dân địa phương, vào mùa mưa nước từ bãi rác tràn ngập mặt đường và chảy xuống kênh Thương Phế Binh gây ô nhiễm nguồn nước. Hiện nay, mùi hôi thối từ nơi này bốc ra làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân các xã Phú Hưng, TP. Bến Tre; xã Phước Thạnh, Hữu Định, huyện Châu Thành.

Ông Phan Thành Hiệp, xã Phú Hưng còn cho biết, các thửa ruộng nằm gần bãi rác chỉ làm được 1 vụ mùa khô, còn 2 vụ mùa mưa thì phải bỏ hoang. “Nước từ bãi rác chảy ra ruộng khiến chúng tôi làm không được, lúa bị hư hỏng, chết. Bây giờ, tôi đề nghị khắc phục làm sao cho nước không chảy ra ruộng. Tôi có 2 công ruộng làm để lấy lúa ăn mà nước chảy ra sao làm được?”, ông Hiệp bức xúc nói.

                       
                                   Các hố chôn rác thải tại bãi rác Phú Hưng ô nhiễm nặng

Do công tác quản lý của Công ty cổ phần Công trình Đô thị TP. Bến Tre chưa chặt chẽ, nên có một số doanh nghiệp còn lén lút dùng xe tải đưa nước thải có hóa chất đổ vào bãi rác này. Lượng nước thải chưa qua xử lý chảy ra kênh mương nội đồng làm ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng.

Trước thực trạng nhức nhối từ bãi rác Phú Hưng ngày càng ô nhiễm trầm trọng, chính quyền và nhân dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên thành phố và tỉnh Bến Tre, nhưng đến nay vẫn chưa thấy khắc phục.

Ông Phạm Văn Tống, Chủ tịch UBND xã Phú Hưng, TP Bến Tre cho biết, thời gian quan Công ty cổ phần Công trình đô thị TP. Bến Tre đã có nhiều biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường đối với bãi rác nhưng hiệu quả không cao. Cuộc sống của người dân các xã lân cận vẫn bị ảnh hưởng nặng nề.

“Bãi rác của Phú Hưng đã quá tải nên đề nghị các ngành chức năng cấp tỉnh sớm xây dựng nhà máy xử lý rác để đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cộng đồng. Trong khi chờ thời gian xây dựng nhà máy xử lý rác, đề xuất UBND thành phố và Công ty công trình đô thị có hướng mở rộng diện tích để đào hồ xử lý rác, phun chế phẩm hóa chất để không gây mùi hôi thối chung quanh”, ông Phạm Văn Tống nói.

               
                    Kênh mương tại các hộ dân xung quanh bãi rác đều có màu đen

Qua tìm hiểu của chúng tôi, bãi rác Phú Hưng đã được UBND tỉnh Bến Tre lập “Dự án đầu tư xây dựng công trình đóng cửa bãi rác Phú Hưng” với kinh phí trên 23 tỷ đồng. Dự án này đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường duyệt và xin hỗ trợ kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đồng ý hỗ trợ cho Bến Tre gần 11,7 tỷ đồng để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường một phần của bãi rác Phú Hưng.

UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu lập lại dự toán kinh phí chi tiết phù hợp với nguồn vốn Trung ương cấp để triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, thời gian cụ thể để triển khai dự án này và khả năng khắc phục ô nhiễm môi trường từ bãi rác Phú Hưng vẫn chưa xác định.

Còn theo người dân địa phương thì giải pháp tối ưu nhất để khắc phục ô nhiễm môi trường này là di dời bãi rác đến nơi khác; đồng thời xử lý lượng rác tồn động hàng chục năm nay. Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường thì nguy cơ cháy nổ từ bãi rác Phú Hưng rất cao. Do vậy, một khi xảy ra sự cố này thì vô phương cứu chữa và sức khỏe hàng nghìn hộ dân nơi đây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều./.
Read more…

Hot