CÔNG NGHỆ XỬ LÝ NƯỚC THẢI SINH HOẠT KHÁCH SẠN

11:49 AM |

Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt khách sạn có nguồn thải chủ yếu phát sinh từ hai nguồn chính: hoạt động dịch vụ ăn uống và quá trình sinh hoạt của khách hàng và công nhân viên.

  • Nước thải trong hoạt động dịch vụ có đặc điểm là chứa nhiều dầu mỡ, chất hoạt động bề mặt, các chất lơ lửng, đặc biệt có chứa nhiều cặn rác thực phẩm từ quá trình chế biến thức ăn và quá trình vệ sinh vật dụng.
  • Nước thải sinh hoạt phát sinh từ quá trình sinh hoạt, vệ sinh của khách hàng và công nhân viên chứa nhiều các hợp chất hữu cơ, nước thải và chất thải của các nhà vệ sinh, nhà tắm chứa hàm lượng chất rắn rất cao, nhiều Nitơ và Phốtpho. Đồng thời trong nước thải cũng chứa rất nhiều các vi sinh vật gây bệnh.
SƠ ĐỒ QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ XỬ LÝ NƯỚC THẢI:
he thong xu ly nuoc thai sinh hoat khu resort Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt khách sạn
THUYẾT MINH CÔNG NGHỆ:
Như đã khảo sát và phân tích ban đầu, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt khách sạn có nguồn thải chủ yếu phát sinh từ hai nguồn chính:
  • Nước thải từ hoạt động ăn uống, chế biến thức ăn và vệ sinh của Khách sạn.
  • Nước thải từ hoạt động sinh hoạt của các văn phòng làm việc của công nhân viên.
Cả hai nguồn thải đều được dẫn về cụm bể gom- tách mỡ trước khi được bơm vào bể điều hòa. Tại đây, để bảo vệ thiết bị và hệ thống đường ống công nghệ phía sau, song chắn rác thô được lắp đặt trong hố để loại bỏ các tạp chất có kích thước lớn ra khỏi nước thải, các thành phần rắn có trong nước thải sẽ lắng xuống đáy thiết bị, các chất dầu mỡ, chất hoạt động bề mặt do trọng lượng riêng nhỏ hơn trọng lượng riêng của nước, dưới tác dụng của trọng lực và cơ cấu hướng dòng sẽ nổi lên trên bề mặt, phần nước trong sẽ từ bên dưới chảy sang ngăn trung gian, phần dầu mỡ định kỳ được công nhân vận hành vớt và thải bỏ đúng quy định. Sau đó nước thải bơm chìm bơm sang bể điều hòa.
Tại bể điều hòa, hệ thống phân phối khí sẽ hoà trộn đồng đều nước thải trên toàn diện tích bể, ngăn ngừa hiện tượng lắng cặn ở bể sinh ra mùi khó chịu, đồng thời có chức năng điều hòa lưu lượng và nồng độ nước thải đầu vào. Từ bể điều hòa, nước thải được bơm lên cụm Bể sinh học thiếu khí ( Anoxic)- bể Arotank
Bể anoxic kết hợp aerotank được lựa chọn để xử lý tổng hợp: khử BOD, nitrat hóa, khử NH4+ và khử NO3-  thành N2, khử Phospho. Với việc lựa chọn bể bùn hoạt tính xử lý kết hợp đan xen giữa quá trình xử lý thiếu khí, hiếu khí sẽ tận dụng được lượng cacbon khi khử BOD, do đó không phải cấp thêm lượng cacbon từ ngoài vào khi cần khử NO3-, tiết kiệm được 50% lượng oxy khi nitrat hóa khử NH4+ do tận dụng được lượng oxy từ quá trình khử NO3. Trong bể Arotank, bố trí một ngăn chứa hệ màng MBR, mỗi đơn vị MBR trong bể xử lý nước thải được cấu tạo gồm nhiều sợi rỗng liên kết với nhau, mỗi sợi rỗng lại cấu tạo giống như một màng lọc với các lỗ lọc rất nhỏ mà một số vi sinh không có khả năng xuyên qua giúp. Điều này giúp loại bỏ các loại vi sinh trong nước thải mà không cần quá trình khử trùng thông thường. Cơ chế hoạt động của vi sinh vật trong công nghệ MBR cũng tương tự như bể bùn hoạt tính hiếu khí nhưng thay vì tách bùn sinh học bằng công nghệ lắng thì công nghệ MBR lại tách bằng màng. Vì kích thước lỗ màng MBR rất nhỏ (0.01 ~ 0.2 µm) nên bùn sinh học sẽ được giữ lại trong bể, giúp duy trì mật độ vi sinh cao làm hiệu suất xử lý tăng và tiết kiệm diện tích xây dựng hệ thống xử lý nước thải lên đến 50%. Nước sạch sẽ bơm hút sang bể chứa trung gian và thoát ra ngoài mà không cần qua bể lắng, lọc.
Nước sau khi được hút từ bơm hút ra ngoài, trên đường ống dẫn ra ngăn trung gian bơm định lượng bơm hóa chất khử trùng vào.Hoá chất khử trùng là Chlorine hoặc Javen sẽ được bơm vào liên tục, sau thời gian tiếp xúc cần thiết, hầu hết các vi  khuẩn gây bệnh trong nước sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, đảm bảo an toàn cho nước thải về mặt vi sinh trước khi xả vào nguồn tiếp nhận .
Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt khu resort cho giá trị nước sau xử lý đảm bảo đạt giá trị C cột A – QCVN 14 : 2008/BTNMT sẽ được xả vào môi trường tiếp nhận.
Ghi rõ nguồn môi trường Minh Việt khi sử dụng bài viết này
MIVITECH – VÌ MÀU XANH TƯƠNG LAI
Read more…

Lúa “bỏ chạy” trước ô nhiễm

11:40 AM |
Nhiều nông dân ngoại thành TP.HCM đứng trước áp lực cực lớn do diện tích đất canh tác đang bị “đầu độc” bởi các khu - cụm công nghiệp xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. 
Vài năm trước, đi qua khu vực cầu An Hạ (huyện Củ Chi) còn thấy lúa mọc mênh mông. Bây giờ khoảng 130ha đất trồng lúa trước đây đã trở thành đồng không mông quạnh.

Vài năm trở lại đây, nước ô nhiễm từ kênh An Hạ tràn vào đã biến khu ruộng này thành một bãi lầy bốc mùi tanh tưởi, sủi bọt đỏ quạch… Vài năm trước, có thể thấy cánh đồng này sớm muộn nông dân cũng bỏ đất hoang nên thành phố đã cho quy hoạch. Tuy nhiên, sau khi thấy đất cứ bỏ hoang do “dự án treo”, mới đây vài nông dân tiếc đất lại xách cuốc ra đồng khai mương, cày đất tiếp tục trồng lúa. Theo anh Hoàng Minh Lành, một nông dân ở đây, giờ đất này hoàn toàn không thể trồng lúa được vì nguồn nước và đất đã bị ô nhễm nặng.


Dù ruộng đã bị ô nhiễm do nước thải từ các KCN, nông dân vẫn phải cố cải tạo để trồng lúa.

Trong khi đó, tại cụm xí nghiệp sản xuất cao su ở ấp 7, 8 (xã Bình Mỹ, Củ Chi) nhiều ha đất trồng lúa trước đây giờ cũng đã bỏ hoang hoặc cho thuê để trồng rau muống. Anh Vũ Mạnh Hơn – một nông dân trồng rau muống, cho biết: “Đất này sao trồng lúa được. Mấy cái xí nghiệp sản xuất cao su ở đây xả thải ra đồng ruộng gây ô nhiễm nguồn nước dữ lắm, chỉ có cây rau muống sống được thôi”. 

5ha đất trồng lúa cạnh Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) nhiều năm nay cũng rơi vào cảnh bỏ hoang. Khu đất này giờ là “đất chết” vì bị nguồn nước thải từ khu công nghiệp này gây ô nhiễm nặng. Ông Trần Văn Giàu – một chủ đất ở khu này cho hay, trồng cây gì, nuôi con gì ở đây cũng chết nên tốt nhất là… bỏ hoang!

Chưa hết, nhiều ha đất trồng lúa ở huyện này cũng đang bị áp lực rất lớn từ nguồn nước thải của Khu công nghiệp Lê Minh Xuân và các khu công nghiệp thượng nguồn theo kênh Thầy Cai – An Hạ đổ về. Nhiều ha đất trồng lúa năng suất cao bây giờ chỉ còn thu được khoảng 3 tấn/ha, trong khi năng suất trồng lúa ở đây là 5 tấn/ha.

Theo thống kê, chỉ riêng 3 huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn đã có hơn 2.000ha đất nông nghiệp bỏ hoang, trong đó có lý do bị ô nhiễm môi trường.

Xây dựng lại hệ thống tưới tiêu có hiệu quả?

Hiện 8 tuyến kênh chính phục vụ tưới tiêu cho hàng ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp cho huyện Bình Chánh và Hóc Môn đang bị ô nhiễm trầm trọng.

Theo kết quả phân tích chất lượng nguồn nước kênh Thầy Cai - An Hạ, kênh B, C của Sở NNPTNT TP.HCM, các thông số COD, BOD5, Coliform đều vượt tiêu chuẩn chất lượng nước dùng cho thủy lợi và tiêu chuẩn nước thải công nghiệp từ vài lần đến hàng chục lần.

Nếu như nguồn nước kênh Thầy Cai – An Hạ (con kênh đầu nguồn của hệ thống nước phục vụ tưới tiêu toàn công trình thủy lợi Hóc Môn – bắc Bình Chánh) bị ô nhiễm là do các khu công nghiệp Tân Phú Trung, Hiệp Phước, thì nguồn nước kênh B, C lại bị Khu công nghiệp Lê Minh Xuân đầu độc. Việc ô nhiễm kênh B và C đã ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước tưới toàn bộ khu nam Tỉnh lộ 10 thuộc hệ thống thủy lợi Hóc Môn – bắc Bình Chánh.

Được biết, hiện Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở NNPTNT TP.HCM) đang xây dựng hệ thống tưới tiêu mới cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp thành phố. Chẳng biết, nếu không thẳng tay xử lý triệt để các khu công nghiệp đang gây ô nhiễm nguồn nước tưới tiêu thì hệ thống tưới tiêu mới có ngăn được được đất nông nghiệp thành phố đang chết dần hay không?
TD
Read more…

DỰ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA GÃ KHỔNG LỒ MICROSOFT

10:52 AM |
Hiếm có tập đoàn lớn nào trên thế giới lại coi trọng  nghĩa vụ bảo vệ môi trường như “gã khổng lồ” trong làng công nghệ Microsoft. 

Dự án trang trại gió Đồi Pilot

Các dự án đầu tư bảo vệ môi trường của Microsoft chú trọng đến năng lượng tái tạo, nghiên cứu bảo tồn thiên nhiên, giảm lượng khí carbon thải ra môi trường…

Dự án Đồi Pilot

Kế hoạch này mới được ban lãnh đạo tập đoàn Microsoft thông qua và đây được cho là dự án năng lượng gió thứ ba có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Microsoft. Theo đó, Microsoft đã ký kết một hợp đồng mua bán điện năng trong vòng 20 năm với Tập đoàn Năng lượng tái tạo (EDF) để khai thác năng lượng tại trang trại gió ở Đồi Pilot, bang Illinois (Mỹ) với công suất lên tới 175 MW. 

Và tập đoàn này sẽ mua khoảng 675.000 MWh/năm năng lượng tái tạo từ Dự án Đồi Pilot, tương đương với lượng điện tiêu thụ của khoảng 70.000 hộ gia đình ở bang Illinois. 

Ông Robert Bernard, Giám đốc chiến lược môi trường của Microsoft cho biết, Dự án Đồi Pilot đã được chính thức khởi động và sẽ bắt đầu cung cấp nguồn năng lượng “xanh” vào năm 2015 chủ yếu phục vụ cho Trung tâm Dữ liệu ở Chicago của  Microsoft. 

“Bằng cách sử dụng năng lượng gió, chúng tôi sẽ giảm được đáng kể lượng khí thải carbon, đồng thời thúc đẩy đầu tư hơn nữa cho nguồn năng lượng tái tạo. Các dự án tương tự như Dự án Đồi Pilot sẽ cung cấp cho chúng ta nguồn năng lượng không gây ô nhiễm và khí nhà kính như các nguồn điện thông thường hiện nay”, ông Bernard cho biết thêm.

Còn Phó Chủ tịch điều hành EDF Ryan Pfaff nhận định, Dự án Đồi Pilot của Microsoft sẽ được rất nhiều người quan tâm và sớm được triển khai trên toàn lãnh thổ Mỹ, châu Á, châu Âu… 

“Chi phí cho năng lượng trong tương lai sẽ giảm rất nhiều và nó nên được khuyến khích để phát triển quy mô lớn nhằm bảo vệ môi trường”, ông Pfaff cho biết. Được biết, tháng 11-2013, Microsoft cũng đã ký một thỏa thuận mua bán tương tự cho Dự án năng lượng tái tạo ở trang trại gió Keechi bang Texas.

Nghiên cứu bảo tồn thiên nhiên

 Đầu năm 2014, Microsoft đã kết hợp với trường Đại học Texas ở San Antonio (Mỹ) để triển khai dự án chế tạo turbin máy phát điện quy mô nhỏ nhưng có thể sử dụng được nhiều loại nhiên liệu “xanh” như khí tự nhiên và dầu diesel sinh học.

 Những chiếc máy phát mini thông minh này có thể dần thay thế cho những dòng máy phát điện hiện nay - tuy thông dụng nhưng chất lượng kém, ồn ào và gây ô nhiễm không khí. 

Microsoft còn có dự án năng lượng mặt trời cực lớn ở Thung lũng Silicon, Mountain View, bang California với 2.288 tấm pin năng lượng mặt trời có thể tạo ra 480 KW điện, giúp tiết kiệm khoảng 15% sản lượng điện tiêu thụ tại đây. 

Ngoài ra, một trong những dự án khác cũng được Microsoft nỗ lực triển khai là dự án bảo tồn rừng nhiệt đới dọc theo con sông Purus, một nhánh của sông Amazone trải dài qua các tỉnh phía Tây của Brazil. 

Dự án này nhằm ngăn chặn người dân phá rừng và kêu gọi người dân bản địa từ bỏ thói quen gây thiệt hại tới môi trường bằng những dịch vụ công nghệ hiện đại cũng như xây dựng nền nông nghiệp bền vững và lâu dài, tạo nên một không gian xanh cho hành tinh. 

“Hiện chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi những dự án năng lượng tái tạo, các tòa nhà thông minh, những trung tâm dữ liệu có hiệu quả cao nhất trong tương lai”, Giám đốc chiến lược môi trường của Microsoft Robert Bernard cho biết. 
Nguồn: theo báo An Ninh Thủ Đô
Tổng hợp: TD
Read more…

TẬP THỂ DỤC GÓP PHẦN LÀM GIẢM Ô NHIỄM

10:26 AM |
Vừa tập thể dục vừa làm sạch nước hồ - mô hình độc đáo và mới lạ này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng các đơn vị lần đầu tiên thực hiện không những rèn luyện được sức khỏe mà còn cải thiện môi trường được người dân xung quanh hưởng ứng cao

Thiết bị gồm hai bộ phận, máy tập thể dục và bộ phận bể lọc nước bao gồm các cấp lọc thô thông thường kết hợp sử dụng các loại cây có khả năng hấp thu chất ô nhiễm trong nước. Các máy tập này tích hợp bơm cơ học giúp bơm nước hồ lên bể lọc, khi người tập thể dục sử dụng máy sẽ khiến bơm hoạt động. 

Theo Ngọc Anh chủ nhân của sáng kiến, cho biết: "Thiết bị đã đoạt giải Eidea do Hội đồng Anh tổ chức năm 2011 dành cho nhóm bạn trẻ tại Viện nước, tưới tiêu và môi trường. Chúng ta có thể thấy hồ đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện bộ mặt đô thị, tuy nhiên hiện nay hầu hết các hồ đều bị ô nhiễm nặng do nhiều nguồn thải khác nhau khiến người đi tập thể dục sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi vận động trong môi trường thiếu trong lành."

Nguyên lý hoạt động của hệ thống cũng khá đơn giản, dựa vào năng lượng được giải phóng trong quá trình vận động của con người, năng lượng này sẽ làm hoạt động thiết bị bơm nước từ hồ vào hệ thống lọc.

Hệ thống lọc với thành phần chính là những thực vật bản địa có khả năng xử lý nước ô nhiễm, cùng với cát, sỏi, sẽ xử lý các chất ô nhiễm trước khi đưa nước đã qua xử lý vào hồ.

Với hệ thống lọc này, một người tập thể dục trong vòng 1 tiếng đồng hồ có thể làm sạch được 4 -7m3 nước tùy theo khả năng vận động của từng người tham gia tập.


Ý tưởng về thiết bị “Sức khỏe xanh” của Ngọc Anh là một trong sáu ý tưởng đoạt giải E-idea 2011 do Hội đồng Anh và Tổ chức Bảo đảm Chất lượng Lloyd’s Register Quality Assuarance (LRQA) phối hợp tổ chức


Nước trong hồ được hút lên trực tiếp vào bể chứa thiết bị lọc như than hoạt tính, màng lọc, cát sỏi và kết hợp một loại cây lọc nước đã được khoa học chứng minh có tác dụng lọc các chất thải hữu cơ trong nước


Máy tập hoạt động nhờ lực đạp của người tập, nước hồ sẽ được hút lên và đổ vào một bể lọc trồng thủy trúc, đáy bể lọc là cát và các vật liệu có khả năng hấp thu các chất hữu cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Chân đạp theo chiều kim đồng hồ kết hợp giữa các động tác của chân và tay



Không những hệ thống lọc nước này rất gọn nhẹ, có thể bố trí một cách hợp lý, phù hợp với diện tích mặt hồ, bờ hồ mà cách sử dụng lại rất dễ dàng, bất kể mọi lứa tuổi đều có thể tham gia" làm sạch nước" bằng chính phần sức lực của mình


Lượng nước sau khi được lọc sạch sẽ thông qua đường ống dẫn trực tiếp chảy xuống hồ
Nguồn: moitruong.com
Tổng hợp: TD
Read more…

TP.HCM dự kiến xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải tập trung

10:19 AM |
​TP.HCM dự kiến xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải tập trung
từ nay đến 2015



Để cải thiện chất lượng nước sông Đồng Nai, đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM cho biết, thành phố đang đẩy mạnh kêu gọi, đầu tư xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải tập trung từ nay cho đến năm 2015.

Cụ thể, một số nhà máy được ưu tiên đầu tư là nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn với công suất 120.000m³/ngày; nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa – Lò Gốm với công suất 300.000m³/ngày; nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 với công suất 170.000m³/ngày; nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát với công suất 250.000m³/ngày; nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè với công suất 480.000m³/ngày (giai đoạn 1) và 800.000m³/ngày (giai đoạn 2)…


Ngoài ra, để thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, nhiều giải pháp mạnh đã được áp dụng.

Cụ thể, Sở TN&MT TP.HCM đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý 310 đơn vị; trong đó xử phạt và buộc tạm đình chỉ 100 đơn vị có hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng.

Riêng 37 doanh nghiệp ô nhiễm nằm trong quyết định phải di dời của Chính phủ, thành phố đã tổ chức giải quyết những khó khăn, vướng mắc về vốn và địa điểm di dời cho các doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương.

Những trường hợp chưa di dời thì áp dụng biện pháp thanh tra, kiểm tra định kỳ ít nhất mỗi năm hai lần và đột xuất.

Song song đó, đẩy mạnh hoạt động hiệu quả các quỹ bảo vệ môi trường như quỹ xoay vòng lãi suất 4%/năm; quỹ giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp lãi suất 0%/năm cho các doanh nghiệp có nhu cầu…

Đến nay, 100% cơ sở đã được rút tên, di dời, ngưng hoạt động hoặc hoàn tất việc xử lý ô nhiễm; 15/15 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Bên cạnh đó, việc cải tạo một số tuyến kênh rạch cũng được chú trọng đầu tư, bởi đây là những nguồn dẫn chất thải ra sông.

Thành phố đã kết hợp cải tạo hệ thống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, kênh Đôi – kênh Tẻ, kênh Thầy Cai – sông Cần Giuộc… với việc đưa vào vận hành một số nhà máy xử lý nước thải đô thị. Những dự án này đã từng bước làm thay đổi hẳn diện mạo môi trường của thành phố theo hướng thân thiện hơn với môi trường.


Read more…

LÝ GIẢI VỀ NƯỚC THẢI TRÀN RA KHÔNG PHẢI BÙN ĐỎ

10:18 AM |

Ông Nguyễn Văn Biên khẳng định, sự cố vỡ đê phụ diễn ra tại hồ thải đuôi quặng chứ không phải hồ chứa bùn đỏ. Loại nước thải này không bị nhiễm hóa chất và không độc hại.

Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã có báo cáo trình lên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải liên quan đến sự cố sạt lở đê phụ hồ thải quặng đuôi số 5 nhà máy tuyển quặng bauxite của Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng.

Theo đó, vào lúc 3 giờ 15 phút cùng ngày 8/10, công nhân đi kiểm tra đã phát hiện trên mặt đê phụ (cao 1,5m) của hồ thải quặng đuôi số 5 có hiện tượng sạt lở do mưa lớn trong mấy ngày qua. Đến 3 giờ 30 phút cùng ngày, mặt đê phụ bắt đầu bị sạt lở, với chiều dài khoảng 5m, chiều cao khoảng 1m. Công nhân đã báo cáo ngay lãnh đạo công ty.

Nhận được thông báo, lãnh đạo công ty và các cán bộ điều hành sản xuất đã có mặt ngay tại hiện trường và điều động thiết bị, nhân lực để xử lý sự cố, đến 4 giờ 15 phút đã gia cố xong đoạn đê phụ bị sạt lở.

Ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng giám đốc Vinacomin (ảnh: Bích Diệp)
Ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng giám đốc Vinacomin (ảnh: Bích Diệp)

Do được xử lý kịp thời nên lượng nước chảy từ hồ thải đuôi quặng qua đoạn đê phụ bị sạt lở ra ngoài chỉ khoảng 9.000 m3, phần lớn là nước trong ở phía trên mặt hồ, có kéo theo một lượng nhỏ bùn đất.

Lượng nước này chảy xuống mặt đường nội bộ dẫn vào Nhà máy tuyển của tổ hợp và chảy một phần xuống hồ Cai Bảng. Hồ Cai Bảng do Vinacomin xây dựng và quản lý (nằm trong tổ hợp), chủ yếu để cấp nước cho Nhà máy tuyển và Nhà máy Alumin của tổ hợp.

Nội dung này đã làm “nóng” phiên họp báo quý III của Vinacomin diễn ra chiều nay. Giải đáp những thắc mắc của phóng viên, ông Nguyễn Văn Biên – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn khẳng định, vụ việc này xảy ra tại Nhà máy tuyển rửa quặng nguyên khai chứ không phải tại hồ chứa bùn đỏ của Nhà máy luyện Alumin Lâm Đồng. 

Trong Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng có 3 khu vực, một là khu vực khai thác bauxite, hai là khu vực nhà máy tuyển quặng nguyên khai ra tinh quặng, và ba là khu vực diễn ra công đoạn đưa tinh quặng vào nhà máy luyện ra Alumin.

Tại bản báo cáo trình lên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Vinacomin cũng giải thích rằng, hồ thải đuôi quặng số 5 nằm trong Khu khai thác mỏ của tổ hợp, cách Nhà máy Alumin khoảng 4km và nằm xa khu dân cư.

Trước báo giới, Phó Tổng giám đốc Vinacomin khẳng định, loại nước bị tràn ra không chứa hóa chất độc hại, độ pH trung tính (xấp xỉ 7), không ảnh hưởng để môi trường, môi sinh, sinh thái của hồ Cai Bảng. Vì đây là nước rửa quặng nên có chứa một phần bùn đất, nhưng hoàn toàn không phải là “bùn đỏ”.

Và do chỉ bị tràn trong khuôn viên nội bộ nên ông Biên cũng cam đoan rằng, sự cố không ảnh hưởng đến người dân xung quanh, không ảnh hưởng đến vườn tược, hoa màu hay nhà dân, không gây thiệt hại về người hoặc của.

Hiện tại, Vinacomin đã chỉ đạo Công ty Nhôm Lâm Đồng tập trung xử lý sự cố, gia cố toàn bộ tuyến đê phụ của hồ thải đuôi quặng số 5 để đảm bảo an toàn tối đa cho hồ; đồng thời rút kinh nghiệm, theo dõi sát sao, không để tái diễn.

Trong khi đó, các hồ chứa bùn đỏ hiện nay của Nhà máy Tân Rai vẫn hoạt động bình thường và không hề xảy ra sự cố, “được xây dựng rất kiên cố và chắc chắn” - theo ông Biên.

Read more…

CHẶN ĐƯỜNG MƯU SINH CỦA DÂN ĐỂ BẢO VỆ KHU SINH QUYỂN

10:04 AM |

Tuyến đường qua đò kéo trên sông Mã Đà giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước đã chính thức bị cấm để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển. Cấm đường nhưng chưa thực hiện di dân khiến cuộc sống của người dân bị xáo trộn.

Cấm đường để bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển
Theo nội dung công văn số 9606/UBND-CNN của UBND tỉnh Đồng Nai (ban hành ngày 13/10/2014), “Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành đóng tuyến đường tự phát xuyên qua khu bảo tồn đi qua tỉnh Bình Phước, đồng thời thực hiện cấm việc đi lại qua vị trí có bến đò tự phát tại khu vực này”.
Thực hiện nội dung chỉ đạo của công văn trên, ngày 17/11/2014, các ban ngành liên quan thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành dựng barie, treo bảng cấm người và phương tiện lưu thông qua tỉnh lộ 768 để qua đò tạm sang tỉnh lộ 322 thuộc tỉnh Bình Phước.
Sông Mã Đà là nơi giáp ranh giữa xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, Bình Phước và xã Mã Đà thuộc huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Đây là cung đường ngắn nhất để người dân sinh sống hai bên sông thông thương, nếu đi đường vòng qua bến phà Hiếu Liêm, chặng đường sẽ dài thêm gần 100km.
Trước đây, từng có một cây cầu nối liền hai bờ nhưng cây cầu đã bị bom đạn trong kháng chiến chống Mỹ đánh sập, hiện mố cầu vẫn còn đứng sừng sững giữa dòng Mã Đà. Về mùa mưa, để qua được dòng sông hung hãn này người dân phải liều mình đi trên những chuyến đò kéo tay của gia đình ông Lê Anh Hùng (55 tuổi) với cước phí 10.000 đồng/xe máy mỗi lần sang sông. Chính vì sự tiện lợi từ việc rút ngắn được quảng đường nên mỗi ngày bến đò tự phát của vợ chồng ông Hùng đưa đón hàng trăm lượt người qua sông.
Barie cấm đường được thiết lập ngay chốt kiểm lâm Rang Rang
Bảng cấm đường được thiết lập ngay chốt kiểm lâm Rang Rang
Biết những nguy hiểm mỗi ngày người dân phải đối mặt nhưng cả hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước đều không lên kế hoạch để xây dựng cầu vì tuyến đường này xuyên qua Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa tỉnh Đồng Nai.
 
Đến tháng 6/2011, Khu bảo tồn trên được UNESCO chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Diện tích của Khu dự trữ sinh quyển rộng hơn 100.000 ha bao gồm cả hồ thủy điện Trị An.
Ông Thái Ngô Đức, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Rang Rang cho hay, Khu dự trữ sinh quyển còn nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Việc cấm người dân qua lại trong khu bảo tồn nhằm mục đích bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã cũng như môi trường sinh thái. Đối với những hộ dân sống trong khu vực vùng lõi của khu bảo tổn, UBND tỉnh Đồng Nai đã có phương án di dời đến nơi ở mới.
Người dân hai bên bờ bị cô lập
Theo ông Phạm Ngọc Hải, Trưởng ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Khu dự trữ sinh quyển nằm trên địa phân của 3 xã Hiếu Liêm, Phú Lý, Mã Đà, hiện vẫn còn hàng nghìn hộ dân sinh sống trong vùng lõi và vùng đệm. Trong đó, người dân xã Mã Đà hầu hết đang sinh sống dựa vào đất canh tác các loại cây công nghiệp, hoa màu và vượt sông Mã Đà đi làm thuê tại tỉnh Bình Phước.
Tuyến đường này là điểm thông thương gần nhất của người dân hai bên bờ
Tuyến đường lưu thông gần nhất của người dân nơi đây ở hai bên bờ
Cấm đường để bảo vệ Khu sinh quyển là việc cần thiết, song trên thực tế quyết định trên đang gây ra nhiều xáo trộn cho việc đi lại thông thương của người dân hai bên bờ sông Mã Đà. Mặc dù UBND tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch di dời người dân trong khu vực bảo tồn đến các khu tái định cư, tuy nhiên đến nay các phương án vẫn chưa được thực thi.
“Bà con chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng và bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển. Chúng tôi cũng chẳng muốn náu mình giữa rừng sâu núi thẳm để phải đối mặt với những bầy thú hoang. Tuy nhiên, trước khi thi hành lệnh cấm đường kính mong nhà nước thực hiện kế hoạch đưa người dân đến khu tái định cư. Việc di dân chưa thực hiện nhưng đã “ngăn sông, cấm chợ” chẳng khác nào làm khó người dân” - ông Trần Công Bình, xã Mã Đà bày tỏ.
Ông Thành Vẫn bất chấp lệnh cấm đưa khách sang sông
Bất chấp lệnh cầm ông Hùng vẫn hàng ngày đưa khách sang sông
Một tuần sau ngày tỉnh lộ 768 bị cấm, người dân vẫn cố tìm cách vượt sông Mã Đà để tiếp tục công việc mưu sinh. Lực lượng kiểm lâm khu bảo tồn cũng đang từng bước tuyên truyền vận động người dân. “Trước mắt, chúng tôi chưa thực hiện cấm triệt để mà đang từng bước vận động để người dân hiểu và tự giác tìm tuyến đường khác để đi lại”, một kiểm lâm viên thuộc Trạm kiểm lâm Rang Rang cho biết.
Ông Lê Anh Hùng chủ đò kéo cho hay: “Sau khi cả đường và đò bị cấm, nhiều người dân đã cố tình bơi qua sông. Nước sông mùa này đang lên cao, chảy cuồn cuộn, dù đã tính đến chuyện dẹp đò nhưng thấy sự nguy hiểm đến tính mạng mọi người nên tôi cũng cố ý tiếp tục đưa khách qua sông. Mong rằng chính quyền tỉnh Đồng Nai và Bình Phước sớm có phương án để hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống”.
Read more…

Hot