Home »
Bóp nghẹt chăn nuôi nông hộ
Sau khoảng chục năm có mặt ở Việt Nam, những công ty lớn của nước ngoài như CP, Japfa… đã “làm mưa, làm gió” thống lĩnh phần lớn thị phần của ngành chăn nuôi, TACN của nước ta và đang “bóp chết” chăn nuôi trong nước, nhất là chăn nuôi nông hộ. Họ độc quyền từ con giống, kỹ thuật, TACN, đầu ra... Phía người nuôi gia công phải đầu tư toàn bộ từ mặt bằng, chuồng trại, các thiết bị liên quan, nhân công, điện nước và chịu trách nhiệm về việc giải quyết ô nhiễm môi trường. Công ty nước ngoài chỉ việc đầu tư con giống, TACN, kỹ thuật, rồi trả tiền cho người nuôi gia công là 200.000 – 230.000 đồng/kg/con lợn giống và 3.000 – 3.400 đồng/kg đối với lợn hậu bị.
Người chăn nuôi nông hộ đang trở thành nhân công làm thuê cho các công ty nước ngoài.
Ông Đinh Vĩnh Tường, thôn 8, xã An Ninh (Bình Lục) người có tới 2 trang trại nuôi gia công cho CP cho biết, với hai trang trại rộng hơn 3ha, trung bình nuôi 1.200 lợn nái và 2.500 lợn hậu bị, ông đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng. “Mặc dù đầu tư cả chục tỷ đồng, nhưng vẫn phải làm thuê cho công ty nước ngoài. Công ty CP làm hợp đồng rất chặt chẽ, bao giờ cũng có lợi cho họ. Chẳng hạn họ tính thang điểm 10 cho lợn giống là 230.000 đồng/con, nhưng chẳng ai đạt được “điểm” này cả, mà chỉ đạt mốc 210.000 đồng/con. Hay 3.400 đồng/kg cho lợn hậu bị, tôi nuôi gần chục năm nay lúc đỉnh nhất cũng chỉ đạt 3.200 đồng/kg, còn lại đa số 3.000 đồng/kg, có lần còn tụt xuống 2.900 đồng/kg vì họ viện đủ lý do lợn xấu, ốm đau, chết nhiều…” – ông Tường cho biết thêm.
Ở khu vực Đông Nam Bộ, thủ phủ chăn nuôi của cả nước, khoảng 10 năm trước số lượng nông hộ chăn nuôi chiếm đến 70 - 80%, thì ngày nay con số này chỉ còn khoảng 20%. “4-5 tháng nay giá heo tăng, bà con mới rục rịch tái đàn lại, còn hộ nuôi gà thì gần như “chết” hết. Nông hộ nào còn tồn tại được cũng đã trở thành trại nuôi gia công cho các công ty nước ngoài” – ông Nguyễn Trí Công- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phản ánh thực trạng.
Không chỉ nông dân chết, với sự lấn lướt hơn hẳn ở tất cả các mặt, các DN nước ngoài cũng dễ dàng “đè bẹp” các DN chăn nuôi VN. Nếu 5 năm trước, chúng ta còn nghe đến những cái tên Phú An Sinh, trại heo Chung Kim, trại gà Nguyễn Văn Ngọc… thì đến ngày hôm nay, những cái tên này đã biến mất trên bản đồ ngành chăn nuôi phía Nam. Ông Chung Kim đã phải dẹp trại heo cả ngàn con nái của mình, bỏ cả nghề vì không “đấu” lại các DN nước ngoài. Công ty Phú An Sinh cũng tương tự. Còn trại gà hơn 100.000 con từng nổi tiếng một thời của anh Nguyễn Văn Ngọc (Đồng Nai), giờ đã trở thành trại nuôi gia công cho CP, Japfa…
Ông Trần Văn Chiến - Hợp tác xã Dịch vụ Cổ đông thị xã Sơn Tây hiện có 350 thành viên, sản xuất khoảng 340.000 đầu lợn mỗi năm nhưng hiện có tới 70% là nuôi gia công cho các tập đoàn lớn, chủ yếu là CP. Với giá tính hiện tại là 2.000 đồng/kg, mỗi con lợn người nuôi chỉ được trả công từ 120.000 - 150.000 đồng, nếu dịch bệnh, hao hụt đầu con nhiều thì còn chẳng có lãi”.
Lợi nhuận “chui” hết vào túi doanh nghiệp ngoại
Theo ông Tường, sở dĩ chăn nuôi trong nước, bị các công ty nước ngoài bóp nghẹt do phải phụ thuộc về con giống và TACN của họ. Có thời điểm họ bán 2,5 – 3 triệu đồng/con lợn giống (những con lợn này chỉ có thể nuôi thịt, bởi con đực thì đã bị cắt cà, con cái thì cắt hoa nên không thể làm giống – PV). Người dân nuôi độ 100kg/con thì bán với giá 40.000 – 43.000 đồng/kg (có thời điểm còn thấp hơn), trong khi đó phải chịu rất nhiều chi phí, rủi ro dịch bệnh khác… Thứ hai, họ chỉ bán lợn sề (nái) với giá lợn hơi, cộng với bản quyền 2 triệu đồng/con, nhưng không bao giờ bán lợn đực giống và tinh trùng, vì thế người chăn nuôi vẫn phải phụ thuộc vào con giống của họ, chứ không thể tự sản xuất con giống. Thứ ba, lợn giống đẻ ra họ bán tại chỗ, lợn thịt tiêu thụ tại chỗ, không mất phí xuất – nhập khẩu, không mất phí xử lý môi trường.
“Ngành chăn nuôi chỉ có thể vực lại, khi chúng ta chủ động được con giống chất lượng tốt, giảm nguồn thức ăn nhập khẩu và xây dựng được chuỗi tiêu thụ sản phẩm” – ông Tường nhận định.
Cũng như CP, Japfa là một trong 3 công ty đang thao túng thị trường trong các lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, nông nghiệp và chăn nuôi. Với 5 nhà máy sản xuất TACN, kinh doanh gia súc, gia cầm khép kín, người dân chỉ tham gia được một số khâu như cho thuê mặt bằng và nuôi gia công cho họ. Theo báo cáo của Japfa, chỉ tính riêng năm 2013 đã cung ứng cho thị trường 200.000 tấn TACN, cho khoảng 600 trang trại, tương tương 15 triệu con gà thịt, 2 triệu gà đẻ, 150.000 lợn thịt, doanh thu gần 3.000 tỷ đồng, riêng quý IV đạt hơn 700 tỷ đồng, cho thấy lợi nhuận của họ là rất lớn.
Ông Bùi Ngọc Dân, xã Phúc Lâm (Mỹ Đức, Hà Nội) người gắn bó hơn chục năm với nghề chăn nuôi cho rằng, việc chăn nuôi cho các công ty nước ngoài chỉ có lợi cho một số người có vốn đầu tư, song vài năm gần đây, giá cả các trang thiết bị, nhân công, điện, nước đều tăng vọt, nhưng phía công ty nước ngoài vẫn không tăng giá, nên lợi nhuận người nuôi gia công thu được chẳng đáng là bao: “Xét về toàn diện, càng phát triển nhiều trang trại nuôi gia công, thì ngành chăn nuôi trong nước càng lún sâu” – ông Dân chia sẻ.
Về các vấn đề trên, ông Đỗ Đức Diện – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thủy sản (Sở NNPTNT Hà Nam) cho rằng, không thể cấm người dân nuôi gia công cho các công ty nước ngoài và ngược lại. Song chúng ta còn khá lỏng lẻo khi cấp giấy xây dựng và xử lý ô nhiễm môi trường của các trang trại: “Một trang trại nuôi gia công cho CP có tổng đầu lợn, gà bằng hàng trăm hộ dân, trong khi đó lợi nhuận thu được không đáng kể, mà chủ yếu lọt vào “túi” doanh nghiệp. Một khi lượng cung cao sẽ “ép” giá xuống, ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi trang trại, gia trại” – ông Diện nói.
Với thực trạng này, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ mất dần các nông hộ, người dân bỏ nghề hoặc tiếp tục đưa lợi nhuận tự "chui" vào túi doanh nghiệp ngoại. Dân làm công lợi ít.
PTT