DÂN CHẶN ĐƯỜNG VÀO NHÀ MÁY XI MĂNG

9:00 AM |
Từ ngày 4/8, người dân thôn Áng Sơn (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) lập “hào” chặn đường vào nhà máy xi măng.
“Làm như vậy chúng tôi biết là vi phạm pháp luật nhưng nếu không làm thì chúng tôi không thể chịu đựng được tiếng ồn, khói bụi của nhà máy.”- ông Đoàn Kim Xuyên, trưởng thôn Áng Sơn nói.
     Người dân thôn Lèn Áng chặn xe vào nhà máy (Ảnh: nongnghiep.vn)  
Người dân thôn Lèn Áng chặn xe vào nhà máy (Ảnh: nongnghiep.vn)
Chung sống với bụi khói, tiếng ồn
Nhiều người dân cho hay, hơn 5 năm qua, người dân ở xóm Lèn (thôn Áng Sơn) phải sống khổ sở vì ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi từ Nhà máy xi măng Áng Sơn 2 của Cty CP Xi măng Vicem Hải Vân. Vì vậy trong thời gian qua, người dân liên tiếp chặn đường không cho xe chở clinke từ nhà máy ra và xe chở nguyên liệu vào.
Nguyên nhân chính của việc chặn đường là để tạo áp lực đối với nhà máy trong việc xử lý, giải quyết nạn ô nhiễm và tiếng ồn từ nhà máy mà người dân đang ngày đêm hứng chịu. Nhà anh Đỗ Bá Lực sinh sống ở đây từ những năm 1995 và nằm cách nhà máy xi măng đúng 30m.
Anh bức xúc: “Trước đây thì chúng tôi yên ổn làm ăn. Nhưng từ năm 2008, nhà máy xi măng của Cty CP Xi măng Vicem Hải Vân đi vào hoạt động thì sự bình yên không còn nữa”.
Hầu hết nhà người dân xóm Lèn đều vắng hoe hoắt. Hỏi lý do thì mới biết là tất thảy đám con nít được gửi sang nhà ông bà nội ngoại hay người thân ở xa nhà máy để tránh tiếng ồn.

Không có đủ kinh phí di dời?Ngoài khổ sở vì khói bụi và tiếng ồn thì 21 hộ dân với gần 100 nhân khẩu còn phải gánh thêm nạn lụt lội, vì nhà máy xây hàng rào cao đã ngăn hết các chỗ thoát nước lâu nay của vùng ruộng và dân cư xóm Lèn, nên mùa mưa là nhà dân bị ngập lụt từ 1,2-1,5m…

Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh Nguyễn Văn Thế cho biết, trong bán kính 1km quanh nhà máy có 65 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 20 hộ ảnh hưởng nặng và khu vực chịu ô nhiễm nặng nề nhất gồm 7 hộ dân ở xóm Lèn, thôn Áng Sơn.
Việc di dời tái định cư đối với các hộ bị ảnh hưởng ô nhiễm là rất cần thiết và cấp bách, xã đã nhiều lần kiến nghị với các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Cũng theo ông Thế, nguyên nhân là do chưa thống nhất được phương án và thiếu kinh phí hỗ trợ di dời. Phương án được đưa ra là Nhà nước hỗ trợ di chuyển nhà cửa ra khỏi khu vực bị ô nhiễm và đất tái định cư, các hộ tiếp tục sản xuất trên đất cũ.
Qua lấy ý kiến nhân dân thì 13/20 hộ dân đồng tình với phương án này, song có 7 hộ xóm Lèn thì yêu cầu Nhà nước đền bù cho họ di chuyển hoàn toàn khỏi vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không sử dụng đất đó để sản xuất.
Với phương án trên, dự kiến cần số tiền 20 tỷ đồng, song theo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình là quá lớn, chưa thể thu xếp được nguồn vốn. Vì vậy, vấn đề di dời người dân ra khỏi vùng ô nhiễm đã được các cấp, ngành tỉnh Quảng Bình xem xét từ 7 năm trước nhưng đến đầu tháng 8/2014 vẫn chưa thực hiện được.

Read more…

NGƯỜI GÂY Ô NHIỄM PHẢI TRẢ TIỀN XỬ LÝ Ô NHIỄM

8:30 AM |
 Người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm; nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước.
Đó là nguyên tắc chung quản lý thoát nước và xử lý nước thải được quy định tại Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải.
Nghị định trên cũng quy định về quy chuẩn kỹ thuật về nước thải. Theo đó, nước thải từ hệ thống thoát nước đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn tập trung xả vào nguồn tiếp nhận phải bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Nước thải từ các nhà máy trong khu công nghiệp xả vào hệ thống thoát nước tập trung của khu công nghiệp phải tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý môi trường khu công nghiệp và các quy định của cơ quan quản lý thoát nước trong khu công nghiệp.
Nước thải từ các hộ thoát nước khu dân cư nông thôn tập trung xả vào hệ thống thoát nước tại khu vực nông thôn phải tuân thủ các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường khu dân cư nông thôn tập trung và các quy định quản lý hệ thống thoát nước địa phương…
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Chính sách ưu đãi đầu tư hệ thống thoát nước
Để khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống thoát nước, Nghị định cũng quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ về đầu tư. Cụ thể, các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung do các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng được hưởng ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào bằng nguồn vốn của ngân sách địa phương và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo các quy định hiện hành.
Cùng với đó, Nghị định cũng quy định về việc quản lý, vận hành thoát nước thải. Nghị định quy định phải định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đầu mối, công trình trên mạng lưới thoát nước; độ kín, lắng cặn tại các điểm đấu nối, hố ga và tuyến cống nhằm bảo đảm khả năng hoạt động liên tục của hệ thống, đề xuất các biện pháp thay thế, sửa chữa, nạo vét, bảo trì và kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước; định kỳ thực hiện quan trắc chất lượng nước thải trong hệ thống thoát nước phù hợp với pháp luật về bảo vệ môi trường; thiết lập quy trình quản lý, vận hành hệ thống thoát nước thải bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật quản lý, vận hành theo quy định; đề xuất các phương án phát triển hệ thống thoát nước thải theo lưu vực.
Thu phí nước thải thông qua hóa đơn tiền nước
Về nguyên tắc và phương pháp định giá dịch vụ thoát nước, Nghị định quy định giá dịch vụ thoát nước gắn với chất lượng cung cấp dịch vụ thoát nước và không phân biệt đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong hay ngoài nước, phù hợp với các chế độ, chính sách của Nhà nước. Việc định giá dịch vụ thoát nước phải căn cứ vào khối lượng nước thải và hàm lượng chất gây ô nhiễm trong nước thải.
Về phương thức thu, thanh toán tiền dịch vụ thoát nước đối với hộ thoát nước, Nghị định quy định tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ cấp nước có trách nhiệm tổ chức thu tiền dịch vụ thoát nước thông qua hóa đơn tiền nước đối với các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung và được hưởng chi phí dịch vụ đi thu.
Đơn vị thoát nước trực tiếp thu tiền dịch vụ thoát nước đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
Hộ thoát nước đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước thì không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Read more…

XỚI TUNG VÙNG QUÊ KHAI THÁC ĐẤT TRẮNG

8:12 AM |
Ngày 7/8, Thượng tá Đặng Văn Khuôn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an TP Đà Nẵng) cho hay: Để ngăn chặn khai thác trái phép, đơn vị đã lấy mẫu đất đá màu trắng người dân hay gọi cao lanh, gửi cơ quan chức năng giám định, kiểm nghiệm các thành phần khoáng sản.
                Khu dự án CNTT tập trung (Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng)- một trong những khu vực bị khai thác trái phép đất đá nghi cao lanh, vừa bị phát hiện. Ảnh: Nguyễn Huy
Khu dự án CNTT tập trung (Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng)- một trong những khu vực bị khai thác trái phép đất đá nghi cao lanh, vừa bị phát hiện. Ảnh: Nguyễn Huy
Chưa rõ hàm lượng giá trị loại đất đá này như thế nào nhưng tại Đà Nẵng thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ khai thác, vận chuyển trái phép. 

Theo Trung tá Lê Bá Công, Đội trưởng Đội Tham mưu- kiểm định (PC49 Công an TP.Đà Nẵng), nhiều đối tượng, người dân trên địa bàn Hòa Vang lợi dụng giấy phép cải tạo đất vườn, hạ đất đồi nhưng thực chất tìm cách khai thác đất đá trái phép. 
Mới đây, PC49 vừa ra quyết định đình chỉ việc khai thác khoáng sản của Cty CP Xây dựng và Thương mại Thùy Dương (gọi tắt Cty Thùy Dương) tại thôn Nam Mỹ (xã Hòa Bắc, Hòa Vang) vì không có giấy phép theo quy định. 
Lợi dụng việc nhận cải tạo diện tích đất thành đất trồng cây ăn quả cho ông Trần Văn Định (thôn Nam Mỹ), Cty Thùy Dương khai thác lượng đất dư thừa, tự ý vận chuyển đi đổ tại Cty Trường Cửu Phát (KCN Hòa Khánh-Đà Nẵng) để làm nguyên liệu chế biến gạch men. 
Tại hiện trường, PC49 phát hiện 1 xe múc và 2 xe ô tô tải (mỗi xe chở 7m3 đất) của Cty Thùy Dương. Bị đình chỉ, nhưng ngay ngày hôm sau (15/7), xe đào múc cty này vẫn tiếp tục khai thác khoáng sản trái phép tại thôn Nam Mỹ với khoảng 15m3 đất đá nghi cao lanh được đưa lên 3 xe tải.
Đại tá Nguyễn Văn Bốn, Trưởng Công an huyện Hòa Vang cho hay: Huyện vừa kiểm tra, phát hiện 6 xe ô tô tải chở hàng chục m3 đất đá màu trắng (hay gọi đất cao lanh) được khai thác trái phép từ dự án này, vận chuyển lên Đại Lộc (Quảng Nam). 
Tối ngày 15/7, ông Trương Phát (trú Thanh Khê, Đà Nẵng) thuê 6 xe ô tô tải Cty Đạt Phú Thịnh và Cty Vân Vạn Phúc (cùng Đà Nẵng) vận chuyển số đất đá cao lanh tại Khu CNTT tập trung, với khối lượng khoảng 90m3 đến nhà máy gạch Prime (Đại Lộc). 
Đến QL14B, đoàn xe này bị lực lượng Công an huyện Hòa Vang kiểm tra, nhưng ông Phát hoàn toàn không có giấy phép khai thác khoáng sản. Theo Đại tá Bốn, huyện lập biên bản, tạm giữ phương tiện và tiếp tục xác minh làm rõ hành vi khai thác khoáng sản trái phép này.
PC49 Công an Đà Nẵng vừa làm việc, yêu cầu Cty CP Đầu tư Đà Nẵng-Miền Trung (DMT) không được khai thác cát trắng phía Tây hồ Bàu Tràm và phía Tây Bắc đường số 5 (KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) khi chưa có giấy phép theo quy định. 
3 năm (9/2011 đến tháng 9/2013), Cty DMT được UBND TP Đà Nẵng cấp phép khai thác, tận thu khoáng sản-cát trắng với khối lượng gần 195.000 tấn, xuất khẩu ra nước ngoài sản xuất thủy tinh. Hết hạn nhưng Cty này vẫn nhiều lần khai thác lén lút. 
Mới đây, UBND P. Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) phát hiện, lập biên bản vụ việc.


Read more…

TRUNG QUỐC TRẢ GIÁ ĐẮT BỞI Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

3:00 PM |
Tốc độ phát triển kinh tế nhanh mang lại vẻ ngoài phồn vinh cho Trung Quốc và kèm theo đó là cái giá phải trả ngày càng đắt, trong đó ô nhiễm không khí nghiêm trọng là một trong những minh chứng.
            

           Khí thải công nghiệp là một trong những thủ phạm gây ra ô nhiễm không khí  ở Trung Quốc

Hãng thông tấn Tân hoa xã ngày 5-8 dẫn nguồn Bộ Bảo vệ Môi trường (MEP) của Trung Quốc cho biết trong nửa đầu năm 2014, chỉ có 9 trong số 161 thành phố của nước này đạt tiêu chuẩn mới chặt chẽ hơn về giám sát chất lượng không khí. Các thành phố này chủ yếu nằm ở các tỉnh thuộc miền Bắc Trung Quốc, đồng bằng sông Dương Tử ở miền Đông và đồng bằng sông Châu Giang ở miền Nam.

Tiêu chuẩn mới về chất lượng không khí được Chính phủ Trung Quốc ban hành từ đầu năm 2012 nhằm giám sát chặt chẽ hơn mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố của nước này. Theo tiêu chuẩn mới, MEP tiến hành giám sát chất lượng không khí, bao gồm kiểm tra khí ozon, khí CO2, các hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet (gọi tắt là PM 2,5), PM10, SO2 và NO2. 

Trung Quốc đưa ra tiêu chuẩn mới để theo đó thường xuyên kiểm tra, giám sát và công bố chất lượng không khí tại các thành phố sau khi ô nhiễm, nhất là ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải… 

Chỉ số Chất lượng không khí (AQI) tại Thượng Hải có lúc lên tới 303, vượt qua cả ngưỡng 300 được xem là mốc đánh dấu mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. AQI được tính toán dựa theo nồng độ của 6 chất gây ô nhiễm không khí, bao gồm cả các hạt bụi có đường kính nhỏ hơn PM 2,5. 

Nguyên nhân khiến bầu không khí tại nhiều thành phố của Trung Quốc bị ô nhiễm nghiêm trọng chủ yếu là do khí thải từ các nhà máy nhiệt điện thải ra. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm tại Trung Quốc là do tốc độ đô thị hoá nhanh, phát triển kinh tế mạnh, sử dụng ô tô tăng và các yếu tố thời tiết khác.

Ô nhiễm không khí đang gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng với Trung Quốc, đặc biệt là sức khỏe của người dân. Từ kết quả nghiên cứu những tác động của ô nhiễm dựa trên chỉ số đo các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn PM10 có tác động nguy hiểm đối với sức khỏe con người, cựu Bộ trưởng Y tế kiêm Chủ tịch Hiệp hội Y học Trung Quốc Trần Chúc cho biết ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến 350.000-500.000 thai nhi ở nước này bị tử vong trước khi sinh khoảng 2-3 tuần. 

Đây là một trong những sự thừa nhận ở cấp cao nhất trong giới chức Trung Quốc về những tác động nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm không khí đối với sức khỏe người dân nước này. 

Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng lo ngại, Trung Quốc đã ban hành kế hoạch hành động kiểm soát và ngăn chặn ô nhiễm không khí. 

Theo đó, Chính phủ nước này đầu tư 1.750 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 290 tỷ USD) cho kế hoạch xử lý ô nhiễm không khí trong giai đoạn 2013-2017. 

Cũng theo kế hoạch này, Trung Quốc dành hơn 640 tỷ NDT (36,7%) cho ngành công nghiệp làm sạch và 490 tỷ NDT (28,2%) cho nguồn năng lượng sạch và 210 tỷ NDT cho xe hơi ít gây ô nhiễm. 
Read more…

KHI NHỮNG CON ĐƯỜNG MẮC BỆNH " XUỐNG CẤP"

11:00 AM |

 Hiện nay nhiều đoạn đường trên địa bàn tp.HCM bị xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của người tham gia gia giao thông. Điền hình đầu đường TX24, đoạn giao với đường Tô Ngọc Vân, thuộc phường Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM nhiều tháng qua bị xuống cấp trầm trọng. Mặt đường biến thành "ao" bởi nhiều ổ gà, ổ voi.

                                        
Mặt đường TX24 biến thành ao lầy lội với nhiều ổ gà, ổ voi. Ảnh chụp lúc 8 giờ 45 phút ngày 6.8.2014
Do không có hệ thống thoát nước nên dù mưa hay nắng, mặt đường lúc nào cũng đọng đầy nước rất lầy lội, vừa mất vệ sinh, lại gây cản trở lưu thông.

Cũng không thua kém gì, đoạn đường Bưng Ông Thoàn, P.Tăng Nhơn Phú B, Q.9 (TP.HCM) bị xuống cấp trầm trọng nhiều năm nay.

                

Ảnh chụp lúc 10 giờ 2 phút, ngày 6.8.2014
Theo ghi nhận của Tin Nóng, mặt đường nơi đây hiện có nhiều ổ gà, ổ voi, gây khó khăn cho việc đi lại của nhiều người, nhất là vào ban đêm, vì khu vực này không có ánh đèn đường.


Read more…

MÓN NGON MIỆT VƯỜN

10:30 AM |
Có thể nói ngay rằng vùng sông nước Cửu Long giang với đặc điểm địa hình là kênh rạch chằng chịt đồng hoang ngập nước mênh mông, nhiều ao đìa, lung bàu cỏ dại mọc đầy, … đó là môi trường lí tưởng cho các loài ốc sinh sống và phát triển.
Ốc chưa mang nổi thân ốc/ Mà còn đòi làm cọc cho rêu

Ở miền Tây Nam bộ gần như chỗ nào có nước tự nhiên là có ốc sinh sống. Ốc có nhiều loại: ốc lát màu đen thường sống dưới gốc năng, lát; ốc gạo nhỏ con hơn, ốc đắng lại nhỏ hơn nữa thịt có vị đắng như tên gọi nên nó, ốc len đít nhọn, màu vàng nhạt, … Trong số các loài ấy thì ốc lát, ốc đắng là phổ biến và thường được người dân quê lượm về ăn hơn cả. Chiều chiều, xong công việc ruộng đồng chỉ cần cầm cái rổ, cái thao đi lượm ốc đem về. Phụ nữ, trẻ con, người lớn tuổi đều có thể bắt ốc dễ dàng, …

                
                                                                  Ốc miệt đồng


Ốc lát nướng muối tiêu


Ốc lượm về trước tiên cho vào thau ngâm với nước vo gạo để ốc nhả bớt chất bẩn. Nếu muốn nhanh có thể cho ngay ốc vào thau nước cùng vài trái ớt sừng trâu chín đập giập. Rồi dùng bàn chải cọ rong rêu, bùn đất cho sạch, để ráo nước.

Bên bếp than bữa cơm chiều chỉ cần kê miếng vỉ sắt lên rổi bỏ ốc lên nướng. Nước trong mình ốc sôi trên than hồng, ốc hả miệng, bung mài. Khi ấy người ta có thể ăn ngay, cũng có người bày vẽ bằng cách cho thêm ít nước mắm có trộn tiêu xay vào miệng ốc, nướng thêm chút thời gian nữa, ốc nướng tiêu có hương vị đậm đà khiến người ăn cơm hết nồi mà chưa muốn thôi.


Ốc luộc 


Người dân quê có nhiều cách luộc ốc. Từ đơn giản cho đến cầu kỳ. Nhưng bằng cách nào đi nữa thì điều quan trọng là phải làm cho ốc nhả hết nhớt và chất cặn bả trong mình nó. 

Nhanh nhất là cho ốc vào nồi luộc với lá sả. Nước sôi, ốc bung mài thì đổ ra rổ xốc mạnh cho ốc ráo nước và bung hết mài, lượm lá sả bỏ đi, ăn ốc lúc còn nóng. Nhà quê thường bẻ gai chanh đã già để lể phần thịt ốc ra khỏi vỏ cứng. Nước chấm thường là nước mắm ngon pha với nước cốt chanh, tỏi, ớt cho thêm đậm đà.

                  
Ốc luộc lá gừng
Cũng tương tự như vậy là cách ốc luộc cơm mẻ. Chế biến món này rất nhanh gọn. Ốc sau khi làm sạch cho vào nồi rồi pha loãng một tô cơm mẻ cùng một ít muối, đường, bột ngọt, sả, ớt bằm, thêm vài tép sả để nguyên đập giập, để vô. Bắc lên bếp luộc đến khi sả dậy mùi thơm, cơm mẻ bốc lên, ốc hở mặt là chín.

               
Ốc luộc sả
Làm một chén nước cơm mẻ pha với sả, ớt để chấm ốc. Ốc chấm cơm mẻ ăn với cơm nóng hoặc lai rai vài chung rượu đế thì thú vị biết dường bao bởi mùi vị hoang dã chốn bừng biền quyện vào món ăn dân dã này.

Trong các dị bản của món ốc còn có món ốc luộc hèm. Dân gian gọi bả rượu là hèm. Cái và nước hèm có vị chua bởi gạo đã được lên men trước khi cho vào nồi nấu lấy hơi làm rượu. Nước hèm đó dùng để luộc ốc. 

Bắc nồi ốc lên bếp, đổ nước hèm vừa xâm xấp luộc sôi khi ốc bung mài là được. Nước chấm ốc luộc hèm cũng đa dạng, tùy sở thích nhiều nơi, có người thích chấm mắm gừng hoặc chấm với muối ớt đâm chung hoặc chấm với nước mắm chanh, tỏi, ớt,...

Ốc luộc hèm có mùi vị rất riêng, nước hèm lại giúp thịt ốc ngọt hơn so với cách luộc thông thường.

Nói đến ốc luộc không nên quên mấy con ốc đắng luộc kẹp với cơm dừa. Ốc đắng là họ hàng gần với ốc lát. Loài nhuyễn thể này mình tròn, to cỡ đầu ngón tay trỏ, màu nâu thẫm, đuôi nhọn. Chỉ cần xuống sông, dùng rổ thưa xúc phía dưới những giề lục bình, hay mò dưới mương vườn nơi những gốc cây, chà tre mục, những trái dừa bị sóc ăn rụng lâu ngày... người ta có thể bắt được vô số cá thể của chúng. Có lẽ vì thế mà câu ca dao thuở xưa nghe chừng não ruột:


Má ơi đừng đánh con đau/ Để con bắt ốc hái rau má nhờ


Nhà quê, nhiều khi khách đến viếng thăm không phải lúc nào cũng có sẵn gà vịt để đãi đằng cho phải lẽ. Thôi thì vài con ốc đắng cũng không kém phần xôm tụ. 

Ốc đắng rửa sạch cho vào nồi có lá ổi, sả, nhóm lửa lớn chờ nước sôi lên vài lần là ốc chín. Trong lúc này người ta hái dưa khô gọt, cạo rồi nạo lấy phần cơm trắng. 

Rau rừng hái ngoài vườn hoang với các loại lá cách, lá cát lồi, đọt sộp, bông điển điển, … rửa sạch. Nước chấm chua cay pha từ chanh ớt, tỏi cho thật đậm đà.

Ốc vừa chín đổ ra rổ xốc nước, lể vài ba con ốc đắng cuộn trong lá rau có kèm ít miếng cơm dừa nạo chấm mắm để nhâm nhi vài chung rượu đế khi có bạn bè thăm viếng. Vị đắng của ốc, vị béo của dừa, mùi hoang dại của rau tất cả hợp thành món ăn ngon phải biết như cách nói của người miền Tây Nam bộ dành để tán thưởng nó.


Nhấp chén rượu cay nhai con ốc đắng/ Dạ thương người giỏi giắn đảm đang



Gỏi bắp chuối trộn với ốc đắng


Ốc đắng luộc chín rồi lể lấy mình bỏ vào thau nước sạch có pha giấm, rửa sạch, để ráo. Bắp chuối xiêm hoặc bắp chuối hột xắt nhuyễn ngâm nước, vắt một miếng chanh để bắp chuối có màu trắng nhạt, không bị đen. Sau đó, vắt bóp nhẹ bắp chuối cho ráo nước, rưới vào gỏi nửa chén nước giấm có vài miếng tỏi ớt đâm dập và ít gia vị như bột ngọt, đường cát, nước mắm ngon. Cho mình ốc vào trộn đều với gỏi bắp chuối, rải lên dĩa gỏi một ít rau thơm xắt nhỏ cùng đậu phộng rang đâm hơi nhuyễn và ít lát ớt chín đỏ.

              
Gỏi ốc

Ốc nhồi thịt


Chọn ốc to, làm sạch, rồi luộc lớt lá sả, lá chanh cho chín. Dùng gai nhọn lể lấy thịt ốc ra. Rửa phần thịt ốc với chút giấm có hòa nước muối để tẩy nhớt rồi để ráo. Dùng dao bén bằm nhuyễn thịt ốc. Để tăng thêm độ ngọt và chất dinh dưỡng dưỡng người ta còn bằm thêm ít thịt, gan heo, nấm mèo ngâm mềm, … Hành lá, hành củ xắt thật nhuyễn cùng tiêu xay, bột ngọt, nước mắm ngon, … Tất cả trộn chung lại rồi để một thời gian cho thấm.

                 
Ốc nhồi thịt
Phần vỏ ốc đem luộc lại, rửa sạch, vẩy cho ráo nước. Hái lá gừng tươi lặt, rửa sạch, rồi đặt lá gừng ngang miệng vỏ ốc, cho hỗn hợp thịt ốc đã trộn đặt lên lá gừng, ấn sâu vào vỏ ốc. Có người còn để thêm vào đó hột tiêu sọ, tiêu xanh, … Nhồi thịt vào mình ốc xong thì cho vào nồi hấp cách thủy. Chừng khi ốc chín bày ra dĩa, nước mắm pha chanh đường, tỏi ớt, … Nhẹ tay kéo lá gừng ra khỏi mình ốc. Thịt nhồi đã chín thơm lựng quện với vị tiêu cay, cơm nóng ngào ngạt thì thật thú vị biết dường bao. 


Ốc xào sả ớt


              
Ốc xào sả ớt
Cũng luộc chín ốc, lể thịt ra rửa lại cho hết nhớt, để ráo, chuẩn bị sả bằm thật nhuyễn rồi bắc chảo lên phi tỏi mỡ cho thơm, cho sả vô xào hơi vàng mới cho thịt ốc vô. Xào săn lại, nước rút ráo nêm nước mắm, bột ngọt, ít muối cho vừa ăn, thêm ít lát ớt chín rồi nhắc xuống. Ốc xào sả ớt ăn với cơm nóng, canh tạp tàng thì mồ hôi ra ướt áo, bao mệt nhọc của công việc đồng áng dường như tan biến hết.


Cơm ngon ăn với ốc xào/ Chan tô canh nóng mệt vào sẽ ra – Ca dao

Read more…

VẬT LIỆU MỚI THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

10:00 AM |
Hiện nay tỉnh Quảng Bình đang từng bước triển khai thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020 bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung là xu hướng tất yếu trong việc phát triển công nghệ sạch. 

Theo nội dung chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành liên quan thì những VLXKN gồm: gạch xi măng cốt liệu, vật liệu nhẹ như gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ bê tông bọt và một số sản phẩm khác như đá chẻ, gạch đá ong, VLXKN từ đất đồi, phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp...

Từ năm 2013, tại các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước buộc phải sử dụng 100% vật liệu không nung (đối với các các đô thị loại 3 trở lên) và tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% nhằm phấn đấu đến năm 2015, cả nước sẽ xóa bỏ hoàn toàn các lò nung thủ công và cơ sở sản xuất gạch block nhỏ lẻ.

                     

Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và các sở, ngành liên quan tham quan dây chuyền sản xuất của Nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung Cosveco.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung của Thủ tướng Chính phủ và Bộ xây dựng, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 10CT-CT ngày 11-6-2012 về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh; đồng thời ban hành kế hoạch phát triển VLXKN đến năm 2020 và lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các địa phương.

Theo đó, trước mắt duy trì các lò gạch tuynel hiện có và khuyến khích phát triển các nhà máy sản xuất VLXKN. Đến năm 2015 chấm dứt các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch như: than, dầu khí... Tỉnh cũng quy định các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước tại các đô thị loại 3 phải sử dụng 100% vật liệu không nung kể từ năm 2014, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXDKN từ năm 2014 đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100% VLXKN.

Tiên phong trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung là Công ty Cổ phần Sản xuất Vật liệu và Xây dựng Cosevco 1. Theo đó, tháng 4/2014, Công ty đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung Cosevco với công suất 80 triệu viên/năm tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Ông Trần Phương, Giám đốc Nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung Cosveco cho biết, thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình phát triển VLXKN của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh, sau một thời gian nghiên cứu và khảo sát công nghệ sản xuất trong nước và ngoài nước, tháng 6/2013, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sản xuất Vật liệu và Xây dựng Cosevco 1 đã thống nhất phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung với công suất 80 triệu viên/năm theo công nghệ của Cộng hòa Liên bang Đức. Với tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng, nhà máy được thiết kế với hệ thống thiết bị, dây chuyền sản xuất đồng bộ và tiên tiến. Nhà máy bao gồm 1 dây chuyền sản xuất gạch các loại và 1 dây chuyền sản xuất gạch lát sân nền, vỉa hè cao cấp.

Sau hơn 5 tháng triển khai xây dựng, lắp đặt thiết bị và tiến hành chạy thử, đến nay, nhà máy đã đi vào sản xuất đạt công suất thiết kế, sản phẩm đạt chất lượng tốt theo TCVN, phù hợp cho các công trình xây dựng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Việt Nam.

Khác với sản xuất gạch truyền thống đó là gạch nung phải sử dụng nguyên liệu đất sét và dùng nhiên liệu như than, củi để đốt, thải ra khói, gây ô nhiễm môi trường, gạch không nung sử dụng xi măng, cát, mạt đá và chất phụ gia, được sản xuất trên dây chuyền nén thủy lực, gạch sẽ tự đóng rắn và đạt các chỉ số về cơ học như: cường độ nén, uốn, độ hút nước...

Với dây chuyền công nghệ như hiện tại, Nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung Cosevco có thể sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, với nhiều mẫu mã khác nhau, phù hợp với các công trình xây dựng và góp phần nâng cao hiệu quả kiến trúc.

Đặc biệt, với nhiều ưu điểm vượt trội: không bị phân hóa, chống thấm tốt, chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt, ít hao tốn vữa xây dựng, tiết kiệm nhân công xây dựng và đặc biệt thân thiện với môi trường, các sản phẩm chủ yếu của nhà máy như: gạch 2 lỗ, 3 lỗ, 4 lỗ, gạch đặc và các loại gạch lát sân, vườn, vỉa hè đã sớm được thị trường trong và ngoài tỉnh chấp nhận. Việc ra đời của Nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung Cosvevco trong thời điểm hiện nay là hướng đi đúng trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng nhằm thay thế dần sản phẩm gạch nung của lãnh đạo Công ty Cổ phần Sản xuất Vật liệu và Xây dựng Cosvevco 1.

Điều này cũng đã được đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ghi nhận và khẳng định tại lễ khánh thành nhà máy vừa qua. Không những đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các sản phẩm vật liệu xây dựng, phục vụ tốt thị hiếu ngày càng cao của khách hàng, nhà máy còn góp phần giữ gìn đất canh tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực của địa phương, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả Kinh tế - Xã hội cho tỉnh nhà.
Read more…

Hot